Toàn cảnh màn trình diễn rap của Như Lâm thay lời phát biểu trước hơn 500 tân cử nhân
Thủ khoa có điểm tốt nghiệp trung bình 9.18
"Năm 2019 đặt chân đến nơi Sài Gòn xô bồ. Vác balo trên vai và kỳ vọng của gia đình đi lên thành phố. Là một đứa trẻ non nớt ấp ủ trong mình bao dự định mơ hồ. Chưa biết ngày mai ra sao chỉ biết rằng là mình phải cố...". Đây là những câu rap của Phạm Huỳnh Như Lâm (22 tuổi), tân thủ khoa ngành quản trị Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), thay cho lời phát biểu trong lễ tốt nghiệp hôm 22.3.
Tiếp xúc với rap từ sớm và tự viết lời rap từ những năm ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cựu nam sinh lớp chuyên toán xem đây là cách để kể chuyện cũng như thử thách chính mình. Những ca khúc đầu, Lâm rap về khoảnh khắc chia tay bạn bè hay thất tình. Sau đó, anh biến tấu các bài hát bolero yêu thích thành bản rap như Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi, Mưa nửa đêm.
"Khi được thông báo sẽ đại diện sinh viên phát biểu, tôi đã nghĩ ngay đến rap và bí mật dành ra khoảng 1 tuần thực hiện, rồi gửi bài phát biểu chuẩn mực và cả bài rap đến ban tổ chức để thầy cô cân nhắc. May mắn là bài rap đã được 'bật đèn xanh'", Lâm nói.
Cũng theo tân thủ khoa có điểm tốt nghiệp trung bình 9.18, phần anh tâm đắc và xúc động nhất là 8 câu rap cuối về gia đình, với lời dặn "đừng nhịn ăn sáng" mà bố mẹ liên tục gửi anh trong suốt 4 năm học ĐH xa nhà.
Khi được hỏi liệu rap có giúp ích trong học tập, Lâm cho biết anh từng thuyết trình bằng rap hay dùng nhạc rap trong các dự án học tập và đều đạt điểm cao. “Rap giúp tôi dễ hình thành ý tưởng và sự bắt tai của giai điệu, lời rap cũng khiến bài làm sinh động hơn so với cách thông thường”, anh lý giải. Tân thủ khoa cũng hy vọng rap được ứng dụng vào nhiều mục đích hơn chứ không chỉ phục vụ giải trí, như cách anh dùng nó để học tập, phát biểu và cả chúc mừng lễ cưới.
Niềm đam mê với rap là động lực để Lâm cùng bạn bè thành lập nên câu lạc bộ UEH Rap Zone khi còn ở giảng đường ĐH, đồng thời giữ vai trò chủ nhiệm. Mới đây, câu lạc bộ được nhà trường mời sáng tác bài hát chào mừng tân sinh viên và các thành viên đang tổ chức show nhạc lồng ghép rap vào bolero tại trường để quyên góp thiện nguyện vào tháng tới.
"Học trò cô đỉnh quá!"
Phụ trách tổ chức lễ tốt nghiệp, thạc sĩ Phạm Tô Thục Hân, giảng viên khoa Quản trị, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết lần đầu nhận bản nghe thử (demo) từ Lâm, cô phải tua lại 2-3 lần vì "quá xúc động".
"Vì muốn giữ bí mật đến cuối nên khi Lâm bắt đầu trình diễn, tôi vẫn còn lo lắng lẫn hồi hộp do cách làm này quá khác biệt và phá cách. Từ khi Lâm lên sân khấu, điện thoại tôi liên tục vang tiếng tin nhắn của các thầy cô khác khen em rằng 'học trò cô đỉnh quá!'. Tất cả đều hưởng ứng tích cực và cả mẹ Lâm cũng không kiềm được nước mắt", cô Hân chia sẻ.
Lương 7 chữ số dù chưa tốt nghiệp
Theo chàng trai Khánh Hòa, vì muốn sớm tự chủ tài chính để bố mẹ tập trung lo cho em, anh đã đi làm ngay khi vừa nhập học năm nhất và sau 4 năm đã trải qua nhiều vị trí khác nhau như học vụ, giáo viên, vận hành và marketing. "Từ tháng 7.2020, tôi bắt đầu làm xoay ca tại trung tâm Anh ngữ với thời lượng 8 giờ/ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. Điều tự hào là khoảng thời gian ĐH tôi đều duy trì thành tích học tập tốt, không xin trợ cấp và còn có thể hỗ trợ gia đình nhờ mức lương 7 chữ số", anh cho hay.
Từng đạt 6 học bổng tại trường ĐH với tổng giá trị hơn trăm triệu đồng, Lâm cho biết anh luôn tập trung nghe giảng, tận dụng thời gian trong lớp để làm bài hoặc tranh thủ hoàn thành sớm nhất có thể. Học tập từ bạn bè cũng là một phương pháp để đạt thành tích cao, Lâm nhìn nhận. Theo đó, với những môn liên quan đến khoa học xã hội, anh luôn thu thập thêm quan điểm từ bạn bè để có nhiều góc nhìn khác nhau, cũng như áp dụng kinh nghiệm từ công việc vào bài làm.
Nhờ tích lũy kiến thức vững suốt quá trình học, Lâm thường chỉ dành duy nhất một buổi để ôn tập trước khi vào phòng thi. Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều vị trí, anh cũng chỉ mất 3 buổi tối để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp dài 68 trang về hệ thống quản trị ERP mà công ty vừa tiến hành chuyển đổi.
"Mọi giây phút của tôi trôi qua đều có ý nghĩa vì liên tục được học thêm nhiều điều mới. Theo tôi, khi nào đã cân bằng tốt thời gian cho việc học và những hoạt động cần thiết khác để phát triển bản thân, sinh viên hẵng bắt đầu dành thời gian cho những điều mình muốn, như với tôi là rap và chơi game", tân thủ khoa đưa ra lời khuyên.
Tiến sĩ Cao Quốc Việt, giảng viên khoa Quản trị, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét Phạm Huỳnh Như Lâm là một lớp trưởng xuất sắc cả trong học tập lẫn nghiên cứu với số điểm trung bình đều từ 9.0 trở lên.
"Màn trình diễn rap của Lâm cũng khiến tôi hoàn toàn bất ngờ và cảm thấy thú vị vì những tưởng bạn sẽ chỉ phát biểu kèm nhạc khi giai điệu đầu tiên vang lên", thầy Việt nói.
Sau 4 năm "không nghỉ hè", Lâm đang lên kế hoạch dành thời gian sắp tới cho gia đình và bản thân. Sau đó, nam sinh dự định tìm công việc khác ở môi trường mới thay vì tập trung vào một chuyên môn nhất định để tiếp tục mở rộng trải nghiệm và đa dạng hóa các góc nhìn trong hoạt động kinh doanh. "Trong tương lai, tôi muốn trở thành người quản trị hiểu biết nhiều chuyên môn khác nhau, có thể tìm ra những vấn đề trong xã hội và góp phần thay đổi nó theo hướng tích cực", Lâm bộc bạch.
Bình luận (0)