Đi làm, ngoại ngữ giỏi có phải là tất cả?

13/10/2024 04:30 GMT+7

Nhiều sinh viên mới ra trường kỳ vọng chỉ cần giỏi ngoại ngữ là sẽ có lương cao. Nhưng thực tế, đó chỉ là một công cụ bổ trợ, và muốn có được mức thu nhập cao, người lao động cần trau dồi nhiều kỹ năng khác.

Thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 càng đòi hỏi người lao động có nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên mới ra trường lại mang kỳ vọng, chỉ cần có chứng chỉ tiếng Anh hay thành thạo một ngoại ngữ khác thì dễ dàng đạt mức lương mơ ước. Liệu kỳ vọng đó có quá xa rời thực tế?

Vỡ mộng sau khi tốt nghiệp

Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát với 10 sinh viên chuẩn bị ra trường về mức lương khởi điểm mà họ mong muốn. Kết quả cho thấy, đa số sinh viên đều mong muốn có mức lương khởi điểm từ 12 đến 15 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức lương khởi điểm chỉ bằng một nửa con số này.

Theo Tổng cục Thống kê về tình hình lao động - việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động quý 2/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng.

Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Chỉ còn vài tháng nữa ra trường, chị Ái Tiên (21 tuổi, TP.Thủ Đức) gấp rút thi chứng chỉ tiếng Anh với ước mong có một công việc lương cao. Chị Ái Tiên học ngành Công nghệ thông tin và đạt chứng chỉ TOIEC với số điểm 700.

Đi làm, ngoại ngữ giỏi có phải là tất cả?- Ảnh 1.

Nhiều sinh viên vỡ mộng về mức lương khởi điểm sau khi ra trường

ẢNH: THÁI THANH

Tuy nhiên, khi ứng tuyển vào các công ty thì chị Tiên lại “tá hỏa” vì nhà tuyển dụng đưa ra mức lương chỉ vỏn vẹn 4 đến 5 triệu đồng cho vị trí nhân viên tập sự. “Tôi đã sốc khi có hơn 5 công ty đề nghị mức lương khởi điểm của tôi thấp như vậy. Trong khi tôi đã có chứng chỉ tiếng Anh và có kinh nghiệm hơn 1 năm đi làm”, chị Tiên giãi bày.

Nhớ lại khoảng thời gian khi mới ra trường, chị Minh Thư (23 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết chị đã phỏng vấn hơn 20 công ty trong vòng 4 tháng nhưng không tìm được việc làm phù hợp. Chị Thư tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp và đạt chứng chỉ TOIEC với số điểm 980.

“Trước khi ra trường, tôi rất tự tin rằng mình sẽ có một công việc ổn định. Tôi có hai bằng ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng hàng chục công ty chỉ đưa ra mức lương khởi điểm cho tôi là dưới 7 triệu”, chị Thư nói.

Ngoại ngữ không phải là tất cả

Chia sẻ về vấn đề này, anh Vũ Quang Tiến, đại diện nhân sự Công ty TNHH thương mại dịch vụ HB-KMIX chia sẻ: “Hiện nay, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ đắc lực cho người lao động khi đi làm. Có ngoại ngữ thì sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm và dễ nhận được mức lương cao hơn. Tuy nhiên, ngoại ngữ không phải là tất cả. Ngoài ngoại ngữ ra, người lao động còn cần trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và các kỹ năng khác”.

Anh cũng nói thêm, ngoài các yếu tố trên, nhà tuyển dụng còn đánh giá ứng viên dựa trên thái độ, tác phong, kinh nghiệm làm việc… Ngoại ngữ quan trọng nhưng cũng không nên vì quá chú tâm đến nó mà bỏ quên các khía cạnh khác. Và phía nhà tuyển dụng cũng sẽ lựa chọn người dựa trên những tiêu chí phù hợp với công ty của mình chứ không phải chọn người có nhiều ngoại ngữ.

“Muốn có mức lương cao, người lao động cũng cần phải có những đóng góp thiết thực, tạo ra giá trị cho công ty. Khi chúng ta làm việc chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm cho mình, chắc chắn cũng sẽ nhận được mức lương cao hơn. Trong xã hội hiện nay, việc sớm trau dồi ngoại ngữ cũng sẽ là hành trang vững chắc cho con đường sự nghiệp sau này”, anh Tiến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.