Chất lượng ở đây chính là tính thẩm mỹ, sự bền bỉ và cả những giá trị về kinh tế do những công trình này mang lại.
Đi lên từ khó khăn
Nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Định, H.Hoài Ân là vùng đất nối liền dải đồng bằng ven biển phía đông với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây. Là một địa bàn xung yếu của tỉnh Bình Định, có tầm quan trọng về kinh tế và quốc phòng, Hoài Ân đồng thời là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa.
Trong lịch sử, Hoài Ân đã từng là nơi xuất phát và là căn cứ của cuộc khởi nghĩa chàng Lía (thế kỷ 18), là địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương (1885 - 1887) do Bùi Điền và Tăng Bạt Hổ chỉ huy. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là cái nôi ra đời của Sư đoàn 3 anh hùng, là mảnh đất còn lưu giữ nhiều chiến công oanh liệt với những địa danh đã đi vào lịch sử Gò Loi, núi Chéo…
Hoài Ân cũng là vùng đất được giải phóng sớm nhất ở tỉnh Bình Định (Liên khu V hoặc Khu vực Nam Trung bộ) vào ngày 19.4.1972. Tiếp đó là hơn 1.000 ngày đêm quân và dân Hoài Ân cùng với bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng đã anh dũng, kiên cường chiến đấu chống lại sự tái chiếm của địch, giữ vững thành quả cách mạng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.
Từ đó đến nay, bằng khát vọng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Hoài Ân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi xây dựng và phát triển quê hương ngày càng khởi sắc.
Nếu so về kinh tế, Hoài Ân bây giờ vẫn chưa phải là ngôi sao sáng nhất của tỉnh Bình Định nhưng nếu so về chất lượng của hạ tầng giao thông, thì có lẽ đây là một trong những địa phương có hệ thống giao thông tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Thoa (52 tuổi, ở H.Hoài Ân) cho biết: "Nhiều năm trước, đường đi về các xã như Đăk Mang, Ân Hữu… rất khó đi. Vì vậy, điều kiện phát triển kinh tế của bà con bị hạn chế rất nhiều. May sao những năm gần đây, huyện liên tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường nên bà con đi lại dễ dàng hơn. Từ đó, việc đi lại, mưu sinh của người dân cũng thuận tiện hơn".
Đầu tư những con đường chất lượng
Trong những năm qua, H.Hoài Ân đã thực hiện tốt công tác huy động vốn để đầu tư các công trình dân sinh, phúc lợi. Đồng thời, xác định cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những trụ đỡ, tạo sức bật cho các địa phương phát triển, đặc biệt đối với 3 xã vùng cao (Đăk Mang, Bok Tới, Ân Sơn) và vùng miền núi.
Thấy được sự quan trọng khi đầu tư những con đường chất lượng, từ năm 2022, H.Hoài Ân tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường đi các xã miền núi như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Bù Nú (xã Ân Nghĩa) đi các thôn T4, T5 (xã Bok Tới) dài 6,2 km, với tổng mức đầu tư trên 29,7 tỉ đồng; nâng cấp tuyến đường Ân Hữu - Đăk Mang (đoạn Xuân Sơn và đoạn cầu Nước Lương đi thôn T6 xã Đăk Mang dài 4,4 km, với tổng mức đầu tư trên 17,46 tỉ đồng).
Trong các công trình nêu trên, có một số công trình thuộc dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang với tổng vốn khoảng 68,5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và vốn ngân sách huyện.
Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 6 đồng bằng và đồi; tốc độ thiết kế 30 km/giờ; nền đường rộng 6,5 m; mặt đường rộng 5,5 m; dài trên 9,6 km và được chia thành 5 đoạn. Dự kiến trong năm 2023, dự án hoàn thành tạo thành tuyến giao thông chính kết nối xã vùng cao Đăk Mang với trung tâm H.Hoài Ân và đi qua các xã Ân Hữu, Ân Đức.
Nhờ sự đồng lòng của nhân dân
Không chỉ có vậy, khi thấy những khó khăn và nguy hiểm vào mùa mưa bão của người dân khi đi qua cây cầu cũ, UBND H.Hoài Ân tiếp tục đầu tư xây mới hoàn toàn cây cầu Hiệp Định (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa) với tổng chiều dài 118 m, tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng, dự kiến tháng 10.2023 cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nói về tầm quan trọng của cây cầu đang xây, ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Hoài Ân cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, buộc phải hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2023 để bà con đi lại thuận lợi. Bởi, cầu Hiệp Định không chỉ là phao cứu sinh của hơn 1.000 người dân thôn Phú Ninh mỗi khi đến mùa mưa, mà còn mở ra cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng lân cận".
Theo ông Đinh Hồng Nhé, Chủ tịch UBND xã Đăk Mang, toàn xã có 430 hộ dân với hơn 5.000 gia cầm, gia súc và trồng rừng, cây ăn trái. Việc UBND H.Hoài Ân tập trung mọi nguồn lực xây dựng các tuyến đường kết nối xã tới trung tâm huyện đã tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế một cách tốt nhất.
Hiện nay, nhiều tuyến đường ở Hoài Ân đã được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vùng cao, vùng đồng bằng. Kết cấu hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong toàn huyện. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND H.Hoài Ân, cho hay: "H.Hoài Ân có được diện mạo đô thị mới như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, sự giúp đỡ của các sở ngành, cùng với đó là sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền; đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ triển kinh tế - xã hội của huyện nhà".
Bình luận (0)