Đi qua mùa Xuân

04/02/2016 15:21 GMT+7

Báo Thanh Niên mới kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo đầu tiên (3.1.1986 - 3.1.2016). Thật trùng hợp ngẫu nhiên, số đầu tiên của Báo Thanh Niên 30 năm trước ra mắt bạn đọc cũng là tờ báo xuân!

Báo Thanh Niên mới kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo đầu tiên (3.1.1986 - 3.1.2016). Thật trùng hợp ngẫu nhiên, số đầu tiên của Báo Thanh Niên 30 năm trước ra mắt bạn đọc cũng là tờ báo xuân!

Bìa và trang 1 Báo Thanh Niên Xuân Bính Dần năm 1986
Số Xuân Thanh Niên Bính Dần 1986 ngày ấy có khổ nhỏ 21 x 30 cm, 32 trang, chưa tính 4 trang bìa. Trên trang 1, thư của Ban Biên tập viết: “Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ, Phân xã Novosti tại TP.HCM, Công ty kinh doanh lương thực thành phố và Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo, Hợp tác xã giấy Dũng Tiến, đồng chí Trần Bạch Đằng, đồng chí Thép Mới và nhiều nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, Hội Việt kiều các nước và nhiều cơ quan thân hữu đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình hình thành tờ báo, một tờ Tuần tin cho thanh niên của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”.
Trong số báo Xuân Thanh Niên năm 1986, còn có các bài: “Nhân Thanh Niên ra mắt bạn đọc” của nhà báo Trần Bạch Đằng; “Nhật ký Festival 12 - Matxcơva” của ông Lê Quang Vịnh, bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; “Sẽ không phụ tấm lòng mùa Xuân” của ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Thanh Niên; “Thách đố của phát triển đối với các nhà quản lý trẻ” của ông Hoàng Ngọc Nguyên (em của họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, người vẽ manchette Báo Thanh Niên)...
Tờ báo Xuân Thanh Niên đầu tiên ngày ấy ra đời trong khốn khó, thiếu thốn. Sau khi có giấy phép ra báo của Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Biên tập phải chạy vạy, đi mượn của bà Nguyễn Thị Ráo (tức Ba Thi) - Giám đốc Công ty lương thực TP.HCM số tiền 50.000 đồng để làm vốn ban đầu.
Có tiền, lại tính chuyện mua giấy, in ấn. Ông Lê Quang Lên (sinh năm 1931, ở An Giang), xuất thân là một giáo dân công giáo và sớm giác ngộ cách mạng, rất tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh đô thị chống Mỹ, chống chế độ Sài Gòn cũ trước đây. Cơ sở in ấn ronéo của ông vừa là phương tiện sinh sống của gia đình, vừa phục vụ in ấn tài liệu cho phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh. Sau đợt tổng tấn công mùa Xuân năm 1968, ông Lên bị địch bắt và giam giữ hơn 2 năm trời, tịch thu toàn bộ phương tiện, máy móc in ấn của gia đình. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lên cùng vợ con, bạn bè gầy dựng lại cơ sở, xây dựng nên Hợp tác xã giấy Dũng Tiến. Báo Thanh Niên đã mua một số lượng giấy tại Hợp tác xã giấy Dũng Tiến, và được nhắc trong lời nói đầu khi ra mắt số đầu tiên là như vậy.
Còn in ấn, số báo Xuân đầu tiên được in tại Xí nghiệp in số 1, TP.HCM. Từ số 3 trở đi, in tại Xí nghiệp in 7. Còn rất nhiều người nữa, có mặt từ ngày đầu Báo Thanh Niên bước ra thị trường. Người lo viết bài, người chạy mua giấy in báo, người phụ trách in ấn... Giá tờ báo Xuân năm ấy chỉ có 7 đồng. Nhưng tất cả đều có chung một quyết tâm xây dựng tờ báo non trẻ phát triển bền vững sau này.
Thuở đầu gian nan như thế. Thăng trầm, bĩ cực đều có trong quá trình phát triển của một tờ báo. Vậy mà đến nay, Thanh Niên đã phát hành 30 tờ báo Xuân. Mỗi tờ báo Thanh Niên Xuân đều có màu sắc riêng; tổ chức nội dung tin, bài chất lượng phong phú, đa dạng; tập hợp nhiều cây bút tên tuổi, và đều bán chạy, bán hết rất sớm. Có năm, bìa báo Xuân Thanh Niên đạt giải A bìa báo xuân đẹp nhất của Hội Báo xuân toàn quốc Canh Dần năm 2010; đạt giải nhì bìa báo xuân đẹp nhất tại Hội Báo xuân Nhâm Thìn năm 2012 do Sở Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức... Nhưng với nhiều người làm Báo Thanh Niên, tờ báo xuân đầu tiên vẫn luôn là kỷ niệm khó phai nhòa.
Một mùa xuân mới lại đến. Thanh Niên đã đi qua 30 mùa xuân. Bao thế hệ làm Báo Thanh Niên đã đến, đã đi, rồi lại đến. Nói như ông Hoàng Ngọc Biên, họa sĩ vẽ manchette Báo Thanh Niên: “Thanh Niên, đó là anh em. Tôi không bao giờ quên. Thăm hết cả mọi người, cũ, mới, đã đi, đang đến, sắp đến...” (Thiệp chúc tết năm 1992 của ông Hoàng Ngọc Biên gửi Báo Thanh Niên).
Sức sống Thanh Niên vẫn theo dòng chảy của thời đại. Báo Thanh Niên không bao giờ quên những người bạn đồng hành với báo từ thuở ban đầu cho đến tận ngày hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.