Văn bản hướng dẫn về dạy các nội dung di sản văn hóa trong trường phổ thông nêu rõ việc dạy học phải được lồng ghép vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Bài học có thể là chính khóa hoặc ngoại khóa. Việc dạy và học này được kỳ vọng sẽ khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khai thác các nội dung của di sản thông qua tư liệu, hiện vật. “Tôi nghĩ việc thiết kế bài giảng sẽ vô cùng quan trọng”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.
Với yêu cầu phải thích hợp với di sản từng địa phương, việc thiết kế bài giảng phải vô cùng linh hoạt. Hơn nữa, nó cần phải phù hợp kiến thức của từng cấp học. Vì thế, một bộ giáo trình “cứng” cho việc dạy di sản rất khó thực hiện. Khuyến khích những thiết kế bài giảng cho từng địa phương, từng di tích, từng bảo tàng cụ thể là điều các chuyên gia khuyến khích. “Việc thiết kế này, theo tôi biết, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản (trung tâm) từng làm giúp các bảo tàng”, ông Thịnh nói.
Bài giảng mẫu mà TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc trung tâm, tâm đắc có nội dung về đôi dép Bác Hồ. “Vấn đề là chúng tôi đính kèm theo đôi dép rất nhiều góc nhìn, nhiều chi tiết, bài học có thật trong nhiều hộp thông tin khác nhau”, bà Lý nói.
Thực tế hơn
Theo các chuyên gia, chương trình giáo dục di sản nhắm tới học sinh phổ thông không nhiều. Đơn vị thành công nhất phải kể đến là Bảo tàng Dân tộc học. Về những điểm cơ bản, bài hướng dẫn tham quan của bảo tàng giống hệt bài hướng dẫn về đôi dép cao su. Ở đó, các em được dạy cách quan sát, tự tìm tư liệu - một thói quen tốt cho việc tự học sau này. Không có chuyện một hướng dẫn viên nói hoài trong sự mệt mỏi và thiếu chăm chú của người nghe.
Chẳng hạn, trong cuộc triển lãm Chúng tôi ăn rừng về văn hóa Tây nguyên, các em tới Bảo tàng Dân tộc học được hướng dẫn kỹ tới từng câu hỏi. Bước vào cửa, các em được cung cấp thông tin cơ bản, kèm theo một cuốn sách cũng là bảng hỏi nhỏ. Dựa trên quan sát để trả lời câu hỏi, học trò sẽ nhớ rằng rừng như mẹ của văn hóa Tây nguyên. Các em cũng hiểu những người dân ở đó đã sống luân canh trên những vạt rừng ra sao để rừng không bao giờ bị phá hủy. Trả lời câu hỏi giúp các em thấy việc đánh giá họ du canh và lạc hậu không hề đúng. Văn hóa tộc người đã được đặt đúng chỗ trong và sau triển lãm.
Tuy nhiên, với đặc điểm khuyến khích tư duy học trò, sự sáng tạo cũng là thách thức với các thầy cô. Bởi một nhận thức về văn hóa rừng như ở Tây nguyên kể trên, không phải ai cũng đủ chiều sâu văn hóa để hiểu. Thêm vào đó, không nhất thiết giáo dục di sản chỉ bám bảo tàng. Nó có thể được thực hiện ở nhiều di tích khác nhau trong vùng. Vì thế, kết nối giáo viên - nhà nghiên cứu địa phương rất cần thiết.
Cái khó cũng có thể đến từ việc kết nối nghệ nhân trong những bài học về diễn xướng - một dạng di sản phi vật thể. Khi quan họ đang bị tập thể hóa, ca trù ít người theo học, xoan đang lai chèo, làm sao để có một nhận thức đúng về di sản không phải dễ. Bởi với “phổ cập di sản”, cái sai cũng có thể sẽ bị phổ cập theo.
Trinh Nguyễn
>> Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa quốc gia
>> Bảo lưu giá trị di sản văn hóa đờn ca tài tử
>> Người vẽ 100 di sản thế giới
>> Nhiều chương trình trong Festival di sản Quảng Nam
Bình luận (0)