>> Kỳ 1: Vì sao chưa phục nguyên điện Cần Chánh?
Tiến độ “rùa”!
Lăng Thiệu Trị có tên chữ là Xương Lăng, nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
|
Năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Thiệu Trị thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, với tổng kinh phí dự kiến 106 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nguồn vốn cho công tác trùng tu di tích thuộc quần thể di tích Huế mỗi năm chỉ giải ngân được từ 50 - 60 tỉ đồng. Các đơn vị thi công khi nhận được dự án thường phải tiến hành vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn tự có để thi công, chính vì vậy mà tiến độ dự án nào cũng chậm. |
Theo dự án, công tác trùng tu diễn ra tại 3 khu vực của lăng Thiệu Trị, gồm: khu vực lăng, sẽ tu bổ phục hồi các hạng mục công trình hồ Nhuận Trạch, hồ Ngưng Thủy, Bình Phong tiền án, hồ điện, sân chầu, Nghi môn, Hồng Trạch môn, Hữu phối điện, Tả phối điện, điện Biểu Đức, Hữu Tùng viện... Khu vực tẩm sẽ tu bổ phục hồi bình phong tiền án, hồ điện, sân khấu, Nghi Môn, Hồng Trạch môn, Hữu phối điện, Tả phối điện, điện Biểu Đức, Hữu Tùng viện... Khu vực lăng Bà sẽ tu bổ nhiều công trình kiến trúc... đồng thời, dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo, bảo quản và bảo vệ, quản lý di tích như hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, cung cấp nước... Theo quyết định phê duyệt, nguồn vốn đầu tư cho dự án được cấp từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác..., thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2010.
Thế nhưng, sau gần 5 năm dự án được duyệt, đến nay chỉ có công trình duy nhất đang được trùng tu sắp hoàn thành là điện Biểu Đức, điện chính thờ vua và hoàng hậu Từ Dũ. Trong khi hầu hết các công trình còn lại như: Bình Phong tiền án, hồ điện, sân khấu, Nghi Môn, Hồng Trạch môn, Hữu phối điện, Tả phối điện, điện Biểu Đức, Hữu Tùng viện... đều xuống cấp nghiêm trọng. Các tòa nhà như Tả hữu phối điện, Tả hữu tùng viện, Bi đình... đều trong tình trạng đổ nát, phải dùng cột chống đỡ tạm bợ, phần mái hư hỏng phải lợp tôn để chống dột, nhiều hiện vật như án thờ, giá thờ... được xếp ngổn ngang mối mọt, hệ thống hành lang tường thành bao quanh các công trình nứt gãy, sụp đổ và hư hỏng nhiều đoạn... Hiện trạng tại các công trình lăng Thiệu Trị cho thấy tiến độ trùng tu ở đây diễn ra vô cùng chậm chạp.
|
Lăng mộ độc đáo của vị vua thương dân
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, so với lăng tẩm các vua triều Nguyễn, lăng Thiệu Trị có những nét riêng độc đáo, đó là lăng duy nhất quay mặt về hướng tây bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn. Vua Thiệu Trị tên là Nguyễn Phúc Miên Tông, con trai trưởng của vua Minh Mạng. Lên ngôi giữa tuổi 34, nhà vua trị vì được 7 năm (1841-1847) thì băng hà, hưởng thọ 41 tuổi. Sinh thời, nhà vua chưa lo nghĩ đến cái chết của mình, phần nữa, không muốn binh dân hao tổn quá nhiều sức lực và của cải nên ông chưa xây cất sơn lăng. Cho đến lúc chuẩn bị ra đi, nhà vua đã trăn trối với người con trai sắp kế vị rằng: “Chỗ đất làm sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.
Quá trình xây cất Xương Lăng diễn ra nhanh chóng nên chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14.6.1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng kiểm tra lần cuối. 10 ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định. Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2.500 chữ, cho khắc lên tấm bia “Thánh đức thần công”, dựng vào ngày 19.11.1848 để ca ngợi công đức của vua cha.
Lăng gồm hai khu vực: lăng và tẩm. Quần thể lăng mộ độc đáo này hiện nay vẫn đang trong tình trạng đổ nát đến đau lòng.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)