Chia đôi di tích !
Theo sử cũ, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định có tổng chiều dài 127 km, với 115 đồn, do Lê Văn Duyệt - Tổng trấn miền Nam dưới thời Gia Long, đốc thúc xây dựng từ năm 1819. Di tích Đồn Thứ và gần 14 km Trường Lũy trên địa bàn tỉnh Bình Định là một phần trong toàn tuyến Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Trong khi đoạn Trường Lũy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia từ tháng 3.2011 thì đến nay Bảo tàng Bình Định mới làm hồ sơ đề nghị công nhận Đồn Thứ và Trường Lũy trên địa bàn là di tích cấp quốc gia.
Theo ông Đặng Hữu Thọ, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định, Trường Lũy tại Bình Định chưa được công nhận di tích cấp quốc gia là do lỗi phối hợp giữa 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, giữa hai tỉnh này với cơ quan nghiên cứu khi làm hồ sơ đề nghị công nhận. Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một nhưng bây giờ lại công nhận di tích cấp quốc gia 2 lần tại 2 tỉnh khác nhau là không ổn. “Bình Định nên làm hồ sơ đề nghị công nhận bổ sung di tích Trường Lũy trên địa bàn vào di tích cấp quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định”, ông Thọ đề nghị.
|
|
TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Trưởng đoàn khai quật khảo cổ di tích Đồn Thứ, cho biết, theo luật Di sản, muốn được công nhận là di tích cấp quốc gia, địa phương có di tích phải làm hồ sơ đề nghị; lãnh đạo các xã, huyện có di tích đi qua đều phải ký tên, đóng dấu xác nhận trong hồ sơ. “Tôi nghiên cứu Trường Lũy ở Quảng Ngãi 7 năm nay, tại Bình Định cũng đã hơn 5 năm. Khi tôi phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi làm hồ sơ đề nghị công nhận Trường Lũy là di tích cấp quốc gia, chỉ cần thêm khoảng 5 trang về phía Bình Định nữa là cả 2 đều được công nhận. Nhưng lúc đó ở Bình Định có ai lên tiếng hay đề nghị gì đâu!”.
Phát hiện khu tín ngưỡng trong quân đội
Ngày 7.12, tại TP.Quy Nhơn, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định báo cáo kết quả khai quật các di tích Đồn Thứ và Trường Lũy trên địa bàn Bình Định.
Theo kết quả khai quật, Đồn Thứ (ở thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định) có diện tích khoảng 16.000 m2, được chia làm hai bởi một bờ tường xây hoàn toàn bằng đá. Khu vực phía bắc có diện tích 6.000 m2 được xác định là khu đồn trú của quân đội, có 5 tháp canh bố trí ở 4 góc đồn và giữa bờ thành tây. Khu vực phía nam có diện tích 10.000 m2, có 3 khu nền được xây tường bao bằng đá 3 mặt, mặt phía nam không xây tường. Trong khu vực này, các nhà khảo cổ phát hiện 3 chân lư hương lớn, 2 chân lư nhỏ và nhiều đồ gốm, sứ phục vụ cho việc cúng tế... chứng tỏ đây là khu vực hoạt động thờ phụng, tín ngưỡng trong quân đội. “Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết tín ngưỡng sau 7 năm khảo sát, khai quật khảo cổ di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định”, TS Nguyễn Tiến Đông khẳng định.
Khảo sát thực tế cho thấy, Trường Lũy bị đứt đoạn khoảng 5 km giữa địa phận Quảng Ngãi và Bình Định. Khu vực Trường Lũy bị đứt đoạn có địa hình rất hiểm trở, ít người sinh sống và có hệ thống đồn khá dày: 8 đồn. Đồn Thứ là điểm khởi đầu Trường Lũy ở Bình Định, có độ cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Tất cả các tường đồn đều xây dựng bằng đá tự nhiên theo kỹ thuật xếp đá, không có chất kết dính. Toàn bộ tường quây đồn có kỹ thuật lõi đất đầm chặt ốp đá bên ngoài và xây gạch cấp.
TS Nguyễn Tiến Đông cho biết: “Kiến trúc Đồn Thứ kiên cố nhất, quy mô rộng lớn nhất trong hệ thống di tích Trường Lũy. Không giống các đồn khác đã phát hiện với chức năng chủ yếu là quản lý qua lại, thu phí giao thương đông - tây, Đồn Thứ có chức năng chủ yếu sơn phòng, bảo vệ khu vực rộng lớn không đắp bờ lũy, giữ an ninh cho đoạn đường thiên lý xung yếu: La Vuông (Bình Định) - Đèo Ải (Quảng Ngãi)”.
Hoàng Trọng
>> Đồng Tháp chuẩn bị công bố di tích quốc gia đặc biệt
>> Lập hồ sơ di tích tòa soạn Báo Tiếng Dân tại Huế
>> Bảo tồn di tích Ly cung Trần - Hồ
>> Ứng dụng công nghệ nano phục hồi di tích Chăm
>> Ứng dụng hạn chế công nghệ Nano để phục hồi di tích Chăm
>> Nhiều di tích trở thành phế tích
Bình luận (0)