Đi tìm dấu vết bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những cánh rừng H’Re

17/11/2005 22:07 GMT+7

Kỳ 1: Những câu hỏi trong đêm trên đèo Ải 35 năm đã trôi qua kể từ ngày liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh. Thanh xuân chị mãi mãi dừng lại ở tuổi 27. Và không lâu nữa sẽ là sinh nhật chị vào 26/11/2005. Trước mốc thời gian ấy, phóng viên Thanh Niên đã trở lại vùng đất lửa Phổ Cường, miền quê nghèo khó nhưng rất đỗi kiên cường và là "quê hương thứ hai" của chị Trâm.

Do đường Hồ Chí Minh bị tắc tại đèo Lò Xo, chúng tôi quay ngược về ngã ba Đông Dương sau một ngày ròng rã. Theo đường 24, trực chỉ Kon Rẫy, Kon Plong, cả đoàn vượt đèo Măng Đen, Vi Ô Lắc... trong đêm. Ngước nhìn lên bầu trời đêm đen kịt, tôi liên tưởng ngày nào từng đoàn B.52 đã từ biển vòng theo đường bay 515 đánh bom vào bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm được bao bọc bởi điệp trùng rừng núi Ba Tơ. Tôi đang nung nấu kế hoạch tìm đến tận nơi chị đã hy sinh và đâu là bệnh xá cuối cùng của chị.

Nhưng đó là chuyện của những ngày sắp tới. Bây giờ đây, dưới ánh đèn pha, dấu vết sạt lở sau cơn bão số 8 kèm theo những cơn mưa rừng dai dẳng vẫn còn hằn rõ trên vùng đất từng là "căng" an trí những người tù thời chống Pháp. Đến ngã ba Thạch Trụ gần nửa đêm, những đồng nghiệp miền Trung thả tôi xuống mặt đường như một chiếc lá nhàu nát sau chuyến đi dài. Nếu trước đó 16 tiếng đồng hồ, tại cửa khẩu Bờ Y, tôi bị cuốn hút bởi tiếng hót của những cánh chim rừng xòe mát vùng trời ba biên giới thì giờ đây tôi như bị thúc giục bởi những cú điện thoại chập chờn sóng về bác sĩ Đặng Thùy Trâm của Nguyễn Thanh Tuấn - Phó giám đốc kiêm chuyên gia đọc bản đồ địa hình của Công ty Lữ hành Dream Land.

Tuấn vừa từ TP.HCM vượt gần 1.000 km trên chiếc gắn máy second - hand đến Đức Phổ chiều hôm kia. Trong ba lô là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, vài tấm bản đồ quân sự của quân đội Mỹ cùng một số thiết bị đi rừng. Anh và tôi từng gặp nhau trên đường Hồ Chí Minh, đã làm cuộc giao lưu tại Nam Giang và tại đó đã cùng những cựu chiến binh đoàn 559 hát vang những bài ca Trường Sơn mà giờ đây chúng tôi mới biết chị Đặng Thùy Trâm từng hát với ca sĩ Thanh Đính trên đất Lào trong 75 ngày đêm hành tiến vào Nam. Giờ đây, gặp lại nhau sau loạt bài về bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ đăng trên Thanh Niên, Tuấn bộc bạch "cần phải làm một điều gì đó thật cụ thể" bằng tinh thần tuổi trẻ và anh đã khởi đầu bằng việc hiến 450 ml máu cho bệnh nhân nghèo. Tuấn cho biết, anh cần tôi phối hợp vạch lộ trình đến những địa danh chị Thùy Trâm ghi trong nhật ký, đặc biệt sau đó làm sao đưa hàng ngàn bạn trẻ và cựu chiến binh miền Nam đến tận nơi chị đã hy sinh cách nay 35 năm.

Tôi thông báo nhanh nội dung một số e-mail vừa nhận từ Washington, California, Texas, London, Melbuorne về sự kiện Đặng Thùy Trâm. Hàng ngàn cựu chiến binh G.75 của Mỹ cũng đang có nhu cầu "trở lại chiến trường xưa" thông qua cầu nối của Báo Thanh Niên. Và rộng ra là đông đảo du khách Mỹ, trong đó có không ít những người Mỹ phản chiến cùng thời bác sĩ Đặng Thùy Trâm...

Thế rồi Tuấn đèo tôi về phía đèo Ải, Phổ Cường trong đêm. Đến một ngã ba mòn nhẵn trên đèo Nhỏ, Tuấn pha đèn vào một trong những phát hiện mới nhất: cửa vào của một địa đạo từng che giấu những đoàn quân du kích và những thương binh một thời máu lửa với chị Trâm. Đây là 1 trong 6 địa đạo của Phổ Cường có từ thời kháng Pháp, được mở rộng thời đánh Mỹ. Địa đạo mà tôi đang nhìn có cửa vào rộng hơn 1m, lỗ thông hơi gần đó cũng rộng tương đương. Đường hầm sâu 3m tính từ mặt đất, rộng khoảng 1,2m, cao hơn 1,5m, dài hơn 100m. Trong địa đạo có mạch nước ngầm, đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho 100 người. Chưa ai rõ chị Đặng Thùy Trâm từng trú ẩn tại địa đạo này nhưng theo một số cựu du kích Phổ Cường, nhiều thương binh từng được sơ cứu tại đây, bên trong vẫn còn dấu vết bông băng và đây là nơi các cánh quân du kích tạm trú mỗi khi trực thăng Mỹ đổ quân. Trong 6 địa đạo có 2 địa đạo bị bom đánh sập khi bộ đội, du kích và đồng bào Phổ Cường đang tạm lánh. Rất tiếc khi đào lấy xác thì đào tới đâu, địa đạo sập tới đấy nên mọi người đành bó tay.

Rời đèo Nhỏ, chúng tôi qua đèo Lớn rồi băng lên đỉnh đèo Ải, bên trái Hóc Nghì. Cảm giác bồi hồi không ngừng xâm chiếm. Phóng tầm mắt xuống quốc lộ 1, cả hai dõi theo những ánh đèn pha vào Nam, ra Bắc. Phía Lâm Bình - nơi mệnh danh đầm Dạ Trạch của Phổ Cường - sáng lên rất nhiều ánh lân tinh. Và xa hơn nữa, cả hai như thấy vùng bờ biển Đức Phổ - Sa Huỳnh mà Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình từng đặt lên bàn hội đàm Paris 1973 như một minh chứng hùng hồn rằng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam không chỉ có quân đội, nhân dân, vùng đất, vùng trời mà còn có biển.

Là người làm du lịch lữ hành, Tuấn lặn lội khắp những vùng chưa ai đặt chân đến, từ Bắc chí Nam. Cứ ngỡ Tuấn chỉ chăm chăm địa hình nhưng tôi thật sự bất ngờ khi anh có một liên tưởng giàu thi vị liên quan đến hội đàm Paris. Theo anh, nếu trước đó, ngoại trưởng Kissinger của Mỹ đến đèo Ải nghe bản hòa tấu thanh bình của dàn nhạc côn trùng, cảm nhận sự mơn man mềm mại của làn gió Hóc Nghì như chúng tôi đang thụ hưởng thì có lẽ ông đã thúc giục chính phủ Mỹ ngưng ngay tiếng thét gào của từng bầy pháo hạm bắn vào đất liền và ký ngay hiệp định Paris chứ không nhẩn nha mặc cả với núi xương sông máu của người Việt Nam. Riêng tôi nghĩ, nếu Phổ Cường - Đức Phổ không là "cửa khẩu khu V" thời chiến, rất có thể vùng đất này không bị chà đi xát lại suốt mấy năm ròng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã không bị những toán biệt kích Mỹ truy lùng, không bị bắn chết và sau hòa bình, chị đã về nhà với mẹ, trở thành nhà khoa học nổi tiếng như trường hợp bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên, người cùng thời 1961 - 1966, đi B trước chị một năm. Nhưng sự thật đã không như vậy! Lính viễn chinh Mỹ đã kết liễu sự sống của chị trong ngày 22.6.1970, đã giết chết hoài bão của một người con gái mà người ấy - nói như toán trưởng viễn thám Danny L.Jacks - "chỉ có mỗi cái tội là cứu sống con người"!

Chị Thùy Trâm hy sinh khi vừa 27 tuổi. Nơi chị ngã xuống cách bệnh xá trên vùng rừng H're không xa. Và đau đớn hơn, chị đã chết một mình khi bên cạnh không còn ai ngoài 5 thương binh nặng đang cần bàn tay chị chăm sóc, chở che. Chị đã ngã xuống chính xác nơi nào? Vì sao đồng bào H're vun cao nấm mộ của "y tá Trâm"? Liệu những lời kể sau này có phù hợp và thuyết phục so với bản báo cáo hành quân của tình báo quân sự Mỹ? Những kỷ vật và những bài thơ trên đường chiến đấu của chị Thùy Trâm đang lưu lạc nơi đâu? Bệnh xá cuối cùng, nơi chị đã công tác và hy sinh nay có còn dấu vết? Số phận của những thương binh trong ngày cuối cùng tại bệnh xá như chị ghi trong nhật ký, 35 năm sau có ai đi tìm họ?

Xây dựng những công trình mang tên chị là mong ước tâm linh của những người đang sống, song lẽ nào chúng ta lại quên đi những câu hỏi ấy? Chúng tôi miên man nghĩ trên đoạn đường tìm đến ngôi nhà nhỏ ven đèo, từng vang lên những câu thơ ứng tác và rộn rã tiếng nói cười của chị Đặng Thùy Trâm.

(còn tiếp)

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.