Đi tìm nguyên nhân các trận động đất vừa qua

10/11/2005 23:33 GMT+7

Tin tức trong nước cũng như công bố của Trung tâm Quốc gia tin tức về địa chấn Mỹ - NIEC (National Information of Earthquake Center) đã thông báo có động đất vừa xảy ra ngày 7/11/2005 và 8/11/2005 trong vùng biển Đông Việt Nam, vị trí gần như cùng với các trận động đất trước đây vào ngày 5/8/2005.

Trên phương diện địa kiến tạo, động đất trong vùng Đông Dương cũ (Indochina) là kết quả sự di chuyển chèn cựa của các hệ thống toạc kiểu mẫu trợt ngang (strike-slip fault systems). Có hai hệ thống chính trong vùng chúng ta là Wang Chao và Ailao Shan/Red River Fault System kết quả do khối Ấn Độ di chuyển về phía bắc va chạm vào lục địa Á châu gây ra tạo sơn Himalayan và đẩy các khối địa chất về phía tây cũng như phía đông dọc theo các hệ thống đường toạc. Hệ thống Wang Chao - nơi hiện nay sông Cửu Long đang lấy dòng chảy, hình thành vào khoảng 35 triệu năm trước và khối địa chất phần phía nam đường toạc này đã bị đẩy ra về phía tây nam. Hệ thống Wang Chao được tin là đã ngừng hoạt động vào khoảng 17 triệu năm trước, khi khối Ấn Độ di chuyển xa hơn lên phía bắc và phát triển hệ thống toạc mới Ailao Shan/Red River, khối địa chất phía nam hệ thống này (sông Hồng) tương tự cũng trượt ra về phía tây nam. Hệ thống mới này giảm hẳn hoạt động vào khoảng 5 triệu năm trước, khi Ấn Độ tiếp tục di chuyển về phía bắc. Hệ thống Altyn Tag sâu trong lục địa Trung Hoa được coi là kết quả hiện tại của chuyển động kiến tạo này và là nguồn gốc tạo ra các trận động đất hiện nay tại Trung Quốc. Động đất xảy ra ở miền Bắc Việt Nam được giải thích và chấp nhận do hoạt động còn lại của hệ thống Ailao Shan/Red River mặc dù đã yếu đi nhiều.

Tài liệu tham khảo:

- On the Mechanics of the Collision between India and China. Tapponier et al., 1986. Geological Society, London.
- Tertiary Transform Boundary of Indochina. LeLuop et al., 1995. Tectonophysics.
- Geologic Evolution of Cuu Long and Nam Con Son Basin, 2001. AAPG.

Vị trí tâm chấn động đất ngoài khơi Nam Việt Nam cho thấy có thể là kết quả của một trong hai hệ thống toạc quan trọng. Hệ thống toạc Quy Nhơn nối tiếp từ hệ thống toạc Red River và chuyển hướng về phía nam, dọc theo ngoài khơi duyên hải miền Trung và hệ thống toạc Wang Chao chạy dài từ đông bắc xuống tây nam ngang qua khối Indochina. Tuy nhiên, các nghiên cứu chi tiết hơn về địa chất cho thấy, hệ thống toạc Quy Nhơn ít nhiều gì cũng đã kết thúc nơi bờ bắc của đới nâng Tri Tôn với sự phát triển ngang về phía đông của hệ thống cấu tạo đuôi ngựa (horse tail structures) đặc sắc ở phần kết thúc của hệ thống toạc ngang (strike/slip fault system) và không còn phát triển thêm về phía nam. Do đó, có thể cho rằng nguyên nhân các trận động đất ngoài khơi phía Nam Việt Nam là do sự hoạt độâng của hệ thống Wang Chao. Kết quả nghiên cứu về địa chất cho thấy, hệ thống Wang Chao chấm dứt trong vùng biển Đông cùng với hệ thống cấu tạo đuôi ngựa phát triển ngược lên phía bắc, nơi vùng các tâm chấn động vừa xảy ra. Nghiên cứu này có thể được củng cố với kết quả ghi nhận một số vụ động đất đã ghi nhận dọc theo hệ thống Wang Chao trên lãnh thổ Campuchia năm 1983, 1989 theo phân tích của International Seismological Centre (ISC).

Một khả năng nữa là động đất cũng có thể phát sinh ra do các trợt sụp bình thường (normal fault) trong các bồn trầm tích, nơi các bồn trầm tích vẫn còn đang phát triển trong vùng biển Đông tương tự như vùng Basins and Ranges System nơi các tiểu bang Nevada, Utah, Arizona... của Hoa Kỳ hoặc đang chịu ảnh hưởng của chuyển động inversion tectonic (các nhà địa chất đã tìm thấy và công bố các kiến tạo này trong bồn Cửu Long và nam Côn Sơn ngoài khơi Nam Việt Nam).

Lập luận cho rằng động đất ngoài khơi phía Nam Việt Nam do hoạt động của hệ thống Wang Chao có thể sẽ đưa đến nhiều tranh luận vì hệ thống này được tin rằng đã ngừng nghỉ khoảng 15 triệu năm qua. Cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể cho rằng tạo sơn Hymalayan vẫn còn ảnh hưởng lên hệ thống này hoặc giả có thể một kiến tạo mới trong khu vực đã làm Wang Chao Fault System hoạt động lại.

Kiến tạo vùng Đông Nam Á bị chi phối bởi khối India di chuyển lên phía bắc đụng vào khối Asia vùng Himalaya. Kết quả này gây những đường toạc, sự dịch chuyển các đường toạc này gây ra động đất (động đất ở Pakistan vừa qua cũng do các đường toạc này). Các đường toạc này ta quen gọi là đứt gãy (faille, fault), và chỉ có những toạc còn dịch chuyển mới tạo ra động đất. Về phía vùng chúng ta có hai hệ thống toạc chính (không kể các toạc phụ phân nhánh từ toạc chính): Toạc Wang Chao sông Mekong lấy dòng chảy và toạc Ailao Shan/Red River lấy dòng chảy. Cho đến nay, các nhà địa chất vẫn cho rằng chỉ còn có Red River (và gần đây nhánh Điện Biên Phủ) là vẫn đang hoạt động, Wang Chao đã hầu như yên nghỉ...

Có thể thấy ít ra có hai tâm động đất được ghi nhận, tại vùng biển hồ Campuchia năm 1983-1989 và Việt Nam 2005. Các tâm chấn động này nằm trên trục của đứt gãy Wang Chao, vì vậây có thể cho rằng động đất ở vùng phía Nam Việt Nam là do chuyển động trở lại của hệ thống toạc (đứt gãy) Wang Chao.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn
(Đại học San Jose,California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.