Đi tìm thung lũng MiG: 'Nhiệm vụ' anh hùng Nguyễn Văn Bảy trao

16/09/2023 06:40 GMT+7

Đi tìm thung lũng MiG, cuốn sách thứ 3 của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái, ra mắt bạn đọc tại Hà Nội sáng 9.9 vừa qua. Được sự đồng ý của tác giả, Thanh Niên trân trọng giới thiệu một số nội dung trong sách.

Khi đang cặm cụi viết tiếp Lính bay 3 tôi bỗng nhớ tới cú điện thoại của anh Nguyễn Văn Bảy và Phan Tương với những lời nhắn gửi và tin tưởng mà cũng gần như giao nhiệm vụ: "Chú viết về các phi công MiG-17 đi, chú tả không chiến đọc nghe nó thật. Viết nhiều hơn về anh Trần Mạnh nữa. Người chỉ huy không quân tài giỏi đấy!". Tôi chần chừ mãi, ngần ngừ, rồi quyết tâm "chuyển làn" để viết về những người đàn anh - phi công chiến đấu MiG-17 và MiG-21 thời kỳ 1965 - 1967.

Đi tìm thung lũng MiG: 'Nhiệm vụ' anh hùng Nguyễn Văn Bảy trao   - Ảnh 1.

Tác giả (trái) tại buổi giao lưu và ra mắt sách Đi tìm thung lũng MiG ngày 9.9 tại Hà Nội

Khải Mông

Lúc này mới thấy khó vô cùng. Tôi ngẫm mình không phải nhà văn nên không thể viết kiểu như truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết được. Vậy viết như thế nào? Với tư cách gì? Đặt mình ở chỗ nào trong những dòng viết về các anh?... Nghĩ hoài, nghĩ mãi, viết thử mấy lần rồi lại bỏ… Tôi tự nhủ: Muốn viết về những phi công anh hùng ấy thì phải đọc lại, hiểu từng chi tiết mỗi trận đánh, hiểu từng con người. Những phi công của thế hệ cũ đã không còn nhiều nữa...

Sau lần anh Nguyễn Văn Bảy bị tai nạn, gãy mất mấy cái xương sườn, phải đưa vào Viện Quân y 175 (TP.HCM) cấp cứu, một thời gian thì hồi phục sức khỏe… tôi càng muốn đẩy nhanh tốc độ viết nhưng thật khó. Tôi phải tỉ mẩn lôi tất cả các sách vở "ghi chép chiến đấu của Sở chỉ huy", "Tổng kết lịch sử" rồi sử các Trung đoàn, Sư đoàn, Quân chủng không quân... Rồi ghi chép thống kê chiến đấu, thống kê các vụ nhảy dù trong chiến đấu, hy sinh trong chiến đấu, tai nạn chiến đấu… để tỉ mẩn ghi chép vắn tắt từng trận vào cuốn sổ riêng của mình - vừa để "vào vai", vừa để ghi nhớ, vừa để tổng hợp theo tư duy và kinh nghiệm chiến đấu của mình để vẽ nên được từng trận trên trang viết… Tuy nhiên viết được vài chục trang, vài mươi trận, khi đọc lại thấy khô không khốc, rối rắm những con số, ngày tháng, cách mô tả trận đánh na ná, từa tựa như nhau mà tự mình cũng phát chán!... Lại phải nghĩ cách để viết làm sao cho sinh động, cho thực tế…

Tôi bàn với anh Hà Quang Hưng rồi sau đó có thêm cả anh Lương Thế Phúc để có định hướng: Phải gặp những phi công - nhân chứng sống còn lại không nhiều để hỏi, để ghi chép những cảm xúc, ý kiến, hoặc nghe mô tả lại trận đánh. Ngoài ra phải hỏi được cả những người lãnh đạo - chỉ huy không quân những năm chiến tranh để có được cả những đánh giá, cách nhìn nhận của họ về quá trình chiến đấu của bộ đội không quân, kể cả những mặt trái, cả những thất bại để thấy được đầy đủ bức tranh "Trận chiến trên không" phức tạp giữa không quân ta với các lực lượng không quân Mỹ. Phải tìm hiểu những cán bộ làm công tác chỉ huy, dẫn đường, tham mưu tác chiến không quân để hiểu và phản ánh được một phần những cống hiến của họ. Và cố gắng gặp được cả vợ, con, gia đình các phi công nữa để viết được một phần về gia đình, hậu phương đầy khó khăn hy sinh còn ít người biết.

Thế là nhiều cuộc gặp gỡ, phỏng vấn nho nhỏ với các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, phi công đã được tôi và anh Hà Quang Hưng, tiến hành gặp gỡ. Đó là các đồng chí: Chu Duy Kính, Trần Hanh, Nguyễn Thành Út, Vũ Ngọc Đỉnh, Lê Hải, Hồ Văn Quỳ, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Đồng Văn Song, Hoàng Biểu, Nguyễn Đăng Kính, Mai Đức Toại, Bùi Văn Sưu, Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Chuyên, Tạ Quốc Hưng đã được thực hiện.

"THUNG LŨNG MIG - MIG VALLEY"

Tôi bất ngờ nhớ ra trong cuộc gặp gỡ của phi công Việt - Mỹ lần thứ 3 tại Hà Nội (2018), các cựu phi công Mỹ tha thiết đề xuất được bay lên trên bầu trời để ngắm cảnh và nhìn lại địa danh "Hẻm núi Thần Sấm" nhưng Ban tổ chức của phía Việt Nam nhận thấy vì nhiều lý do mà chúng tôi không thể đáp ứng về việc thuê máy bay riêng. Các cựu phi công Mỹ lại đề xuất được lên đỉnh núi Tam Đảo để có thể ngắm lại điểm mốc nhiều kỷ niệm lịch sử có tên "Thud Ridge" của họ... Đến đây tôi nhớ lại hồi mới học bay về nước, khi anh em chúng tôi được học về bài học truyền thống lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam là: Càng đánh càng trưởng thành, bắn rơi ngày càng nhiều máy bay Mỹ với tỷ lệ thắng - thua đáng tự hào mà họ - các phi công Mỹ phải thừa nhận về một "Thung lũng MiG".

Tôi mất nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu nhưng mà đã không thể tìm ra từ khóa "Thung lũng MiG - MiG Valley" nhưng lại tìm ra được những mật danh khác như "Thung lũng Sông Hồng - Red River Valley" hay "MiG Airfield" cùng với "Thud Ridge - Hẻm núi Thần Sấm" ở chân dãy núi Tam Đảo hay "Fantom Ridge - Hẻm núi Con Ma" ở đầu phía đông dãy núi Yên Tử - nơi các phi công F-4 (Fantom) chọn làm điểm kiểm tra khi đột nhập vào đánh các mục tiêu ở phía đông - bắc Bắc bộ.

Từ đây tôi triển khai ý tưởng viết các trận đánh của các phi công MiG-17 trong những năm 1965 - 1967 với tất cả những con người đã làm nên vẻ vang và vinh quang cho Không quân nhân dân Việt Nam bằng công sức và xương máu của cả thế hệ đánh Mỹ trên trời này.

(còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.