Đi tới cùng trong "cuộc chiến" chống suy thoái đạo đức trong Đảng

04/08/2006 00:03 GMT+7

Kết thúc Hội nghị Trung ương 3, đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt BCH Trung ương long trọng cam kết trước toàn Đảng và nhân dân cả nước quyết bài trừ tham nhũng, lãng phí. Điều đó biểu thị ý chí chính trị của BCH trung ương và cho thấy cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã ý thức được, tham nhũng đang là thách thức lớn nhất đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với chế độ.

Đây không phải lần đầu tiên các đồng chí lãnh đạo Đảng bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng tôi nghĩ rằng lần này, hẳn là Trung ương đã phải có một sự lựa chọn mang tính quyết định: thắng giặc "nội xâm" này, hay nhùng nhằng để chấp nhận thất bại. Hơn lúc nào hết, nhân dân mong mỏi, theo dõi và sẽ sát cánh đi đến cùng với ý chí quyết tâm hành động của Hội nghị lần thứ 3, BCH Trung ương khóa X.

Giờ đây, tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 sẽ được người dân lĩnh hội thông qua những hành động cụ thể từ ngay chính các cơ quan lãnh đạo các cấp được Đại hội Đảng bầu ra trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành bộ máy quản lý nhà nước. Đây là một cuộc đấu tranh không phải với "kẻ thù bên ngoài", đây là cuộc đấu tranh với những thách thức từ ngay trong nội bộ Đảng. Sự thành bại của cuộc chiến chống nội xâm này cũng gần giống như Đảng lãnh đạo chống kẻ thù bên ngoài: dân nhìn vào đảng viên, đảng viên nhìn vào cấp lãnh đạo đảng bộ, cấp lãnh đạo dưới nhìn vào cấp lãnh đạo trên và cấp trên cao nhất quán triệt và thể hiện bằng hành động kiên quyết, không nói suông, không do dự nể nang - đó là những nhân tố quyết định thắng lợi. Tuy nhiên, sự thắng lợi trong cuộc chiến này phải vừa nghiêm, vừa minh, không để oan sai cho bất cứ đảng viên, cán bộ cấp nào, được vậy phải thật sự dân chủ, công khai và hết sức minh bạch. Đảng ta đã có một bài học rất đau trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn Đảng, đừng để bao giờ lặp lại sai lầm đó, phải thật sự "chí công vô tư" nhưng cũng cần coi chừng số cơ hội trong Đảng.

Để tôn trọng sự công - minh và bình đẳng trong cuộc đấu tranh này, những sai phạm phải được xử lý dựa trên pháp luật, bất cứ ai cũng đều phải bình đẳng trước pháp luật. Tôi nghĩ là, trên tinh thần này, Bộ Chính trị nên sớm rà soát lại các chủ trương đã ban hành, những gì còn chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ phải được loại bỏ ngay. Chỉ khi các công cụ của nhà nước pháp quyền được củng cố và sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật được áp dụng như nói trên thì mới ngăn chặn được số đặc quyền đặc lợi, bao che, nhắm mắt làm ngơ trước sai phạm trong Đảng. Tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ sự giám sát của Đảng. Đảng phải kịp thời phát hiện sự thiếu kiên quyết, chưa đúng pháp luật của các cơ quan chức năng và sự áp đặt oan sai cho số vô tội, sai chưa nghiêm trọng thành nghiêm trọng. Để làm tốt điều này, ngoài đường dây nóng tố giác tham nhũng, lãng phí, đồng thời cần lập thêm một đường dây nóng giúp những người bị hàm oan có cơ hội được kêu cứu với những người, cơ quan có trách nhiệm.

Không để oan sai cho đảng viên, cán bộ nào, nhưng cũng không để lọt lưới số cán bộ đảng viên mất phẩm chất, trốn tránh trách nhiệm, dựa vào quyền lực để thu vén cho riêng mình hoặc dung túng cho người thân, bồ bịch gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của dân để có chỗ "hạ cánh an toàn", nếu có bị phát hiện thì "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Bộ luật Hình sự dành nhiều mức hình phạt rất nặng như chung thân, tử hình cho nhóm tội danh liên quan tới tham nhũng. Tuy nhiên những hình phạt về kinh tế hoặc khả năng phát hiện sự tẩu tán tài sản tham nhũng đã không đủ quyết liệt để làm giảm loại tội phạm này. Hầu hết tội phạm bị xử phạt tù kể cả mức chung thân rồi sẽ được giảm án. Đặc biệt, những kẻ tham nhũng tuy bị tù nhưng tài sản mà chúng kiếm được chỉ bị tước đoạt một phần nhỏ.

Không đợi đến "đời con", nhiều kẻ tham nhũng đã có thể sống trong tù một cách sung túc hơn rất nhiều lần nhiều người lương thiện ở bên ngoài. Mục tiêu của những kẻ tham nhũng là tiền bạc, chỉ cần xử phạt 5-10 năm tù và chịu án như những người phạm tội khác, nhưng buộc chúng phải chịu sự trừng phạt và bị truy cho tới cùng các thứ tài sản ăn cắp, ăn cướp của dân thì mới có thể làm cho chúng khiếp sợ. Với loại tội phạm để thất thoát, lãng phí cũng vậy, phải buộc chúng bồi hoàn những thiệt hại bằng tất cả tài sản của chúng mới có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe số bắt đầu suy thoái trong Đảng cũng như ngoài xã hội. Đương nhiên, cũng nên rộng lượng, không hẹp hòi mà sẵn sàng kêu gọi, mở rộng vòng tay chấp nhận những người còn lương tâm, biết hối hận quay đầu, gắng sức lập công chuộc tội khắc phục hậu quả đã gây ra.

Không thể chống tham nhũng - yêu cầu bức xúc của dân với Đảng - nếu Đảng và Nhà nước ta không đặt đúng vai trò của người dân. Hầu hết đảng viên không kể đang công tác hay đã nghỉ hưu đều hết sức bức xúc, đòi hỏi lãnh đạo Đảng phải hành động vì sự sống còn. Thái độ của Đảng và Nhà nước đối với những người dân, những đảng viên dũng cảm, dám đương đầu với tham nhũng, lãng phí sẽ góp phần quyết định bài trừ các thứ tệ nạn trong Đảng: tham nhũng, lãng phí, bệnh thành tích ảo, tệ quan liêu, cửa quyền. Khi tham gia đấu tranh, tôi nghĩ, những cá nhân đó không lựa chọn cho mình một con đường dễ dàng. Nhưng, nếu như các cơ quan chống tham nhũng bỏ mặc họ thì không thể có đủ sức mạnh và không tạo được động lực để nhân dân và đảng viên tham gia cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Tôi theo dõi rất kỹ câu chuyện chống tham nhũng của đồng chí công an hưu trí Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn và tôi cũng rất cảm kích cuộc đấu tranh vì sự trong sáng trong giáo dục của thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây mới đây. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những tưởng thưởng xứng đáng cho những người như Đinh Đình Phú, Đỗ Việt Khoa... như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đang nóng bỏng này. Theo tôi thì những người có công lớn cần được xem xét, phong Anh hùng... Tôi đề nghị trong những người được tôn vinh, khen thưởng hiện nay, nên đặt những đối tượng này trong số những vị trí ưu tiên hàng đầu.

Có lẽ việc những người như Đinh Đình Phú chưa nhận được tặng thưởng nào của Nhà nước chỉ là lỗi của sự quan liêu. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tham nhũng cũng không thể nào chống được nếu không ngăn chặn và đẩy lùi khi bệnh quan liêu vẫn còn đó. Bệnh quan liêu hình thức và công thức là dấu hiệu của sự tê liệt khả năng tiếp nhận thông tin từ thực tế cuộc sống. Quan liêu làm cho trên không nắm được sự lộng hành của dưới, làm cho hệ thống không cảm nhận được sự ức chế của người dân. Quan liêu còn là nguyên nhân làm nảy sinh bệnh thành tích ảo, lại say sưa qua những thành tích bằng báo cáo - căn bệnh không chỉ riêng của ngành giáo dục mà có thể bắt gặp ở tất cả các ngành, các cấp.

Khi những thông tin về cuộc sống thật không vượt qua được bộ máy quan liêu, nó sẽ được thay thế bởi những thành tích ảo. Tham nhũng, lãng phí sẽ được che chở đằng sau những thành tích có được nhờ sự dối trá đó. Vì thế, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa thành tích, bệnh quan liêu là một "bọn bốn tên" cùng cấu kết phá hoại sự nghiệp được gây dựng bằng mồ hôi, xương máu của bao thế hệ. Cuộc chiến "mất còn" này muốn thắng, chống tham nhũng, lãng phí phải được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng không thể xem nhẹ những kẻ thù còn lại trong "bọn bốn tên" vì chúng quan hệ mật thiết với nhau. Điều sau cùng tôi muốn nhắc thêm là yếu tố chính xác trong hành động, yếu tố không được xem nhẹ trong cuộc chiến này.

Võ Văn Kiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.