Khảo sát và công bố của Sở Giao thông vận tải TP.HCM thì không có những con đường kẹt xe mà chỉ có các điểm - con đường ùn tắc. Trung tuần tháng 10.2024, Sở GTVT TP.HCM cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, có 8/24 điểm - con đường ùn tắc giao thông không có sự chuyển biến.
Đi làm - về nhà ngang qua những con đường ùn tắc nhất TP.HCM trong mùa mưa này, gặp thêm cảnh mưa to, chở con cồng kềnh, "chạy đua nhau về" cho con đi học thêm các môn ngoại khóa trong tình trạng bụng đói luôn là... nỗi ám ảnh thường trực với nhiều người.
Theo công bố của Sở GTVT, xếp đầu bảng là con đường ùn tắc là đường Nguyễn Tất Thành (811 lần ùn ứ), tiếp sau đó lần lượt là Xô Viết Nghệ Tĩnh (615 lần), giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (588 lần), đường Trường Chinh đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý (569 lần), nút giao An Phú (554 lần), đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái (195 lần), đường Dương Bá Trạc khu vực cầu Kênh Xáng (188 lần) và ngã tư Hàng Xanh (161 lần).
"Kiếp nạn" con đường ùn tắc
Sống ở Q.8 hơn 1 năm nay nhưng đường Dương Bá Trạc khu vực gần cầu Kênh Xáng luôn là nơi anh Phúc Thiên (26 tuổi) "né" di chuyển vào giờ cao điểm vào sáng sớm và chiều tối, trừ trường hợp bất khả kháng buộc có việc qua đây.
[CLIP]: Chật vật di chuyển qua cầu Kênh Xáng giờ tan tầm
Tất cả bắt nguồn từ việc trong một buổi chiều tan tầm đi theo hướng từ H.Bình Chánh qua cầu Kênh Xáng vào đường Dương Bá Trạc để về nhà, anh gặp một cơn mưa lớn, đường vốn dĩ bình thường chật kín xe, phải nhích từng chút một nay lại càng ùn ứ.
"Lúc đó tôi còn làm ở công ty cũ tại Bình Chánh, làm về mệt rồi, đói bụng, gặp thêm "combo" cảnh trời mưa, kẹt xe, mắc vệ sinh nữa. Đi làm về mà gặp quá nhiều kiếp nạn, tôi ám ảnh luôn. Kinh khủng! Thay vì 20 phút mới về tới nhà, hôm đó tôi nhích tận 40 phút hơn mới thoát khỏi đoạn kẹt và về đến nơi. Từ lần đó, tôi cố gắng né đoạn đường này giờ cao điểm", anh Thiên chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Bạn ám ảnh với con đường ùn ứ nào ở TP.HCM?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ghi nhận tại đường Dương Bá Trạc khu vực cầu Kênh Xáng những ngày cuối tháng 10 vào giờ cao điểm, từ 16 giờ 30 phút xe đã bắt đầu đông đúc hướng từ H.Bình Chánh qua Q.8.
Càng về chiều tối, xe máy, xe ô tô, xe buýt, xe cấp cứu, xe thô sơ… từ các tuyến đường như đường số 4, đường số 9A, đường số 9 qua vòng xoay Trung Sơn đổ dồn về cầu Kênh Xáng ùn ùn, ai nấy nhích từng chút qua cầu.
Cách đoạn này không xa, cầu Him Lam bắc qua rạch Ông Lớn nối đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) và đường số 4 (H.Bình Chánh) cũng chịu cảnh ùn ứ tương tự giờ tan tầm. Đa phần dòng xe qua cầu Him Lam cũng đổ dồn về đường Dương Bá Trạc (Q.8).
Tại đoạn ùn ứ cầu Kênh Xáng, giao thông có phần hỗn loạn khi có người đi ngược chiều qua vòng xoay Trung Sơn, nhiều người vì lượng xe dưới đường quá đông nên lao lên vỉa hè di chuyển cho nhanh…
Bà Thanh, bán hàng rong dưới khu vực chân cầu Kênh Xáng cho biết hầu như ngày nào đoạn này cũng xảy ra cảnh kẹt xe, ùn ứ. "Không biết xe ở đây mà đổ dồn về đây quá. Xe đông mà đường nhỏ, cầu nhỏ nên nhích từng chút. Sáng thì cỡ 6 giờ rưỡi tới gần 8 giờ, chiều tối thì cỡ 4 giờ rưỡi tới gần 7 giờ, cỡ đó. Cuối tuần người ta ít đi làm thì đỡ hơn chút", người phụ nữ cho biết đã quá quen với cảnh này.
Thăm dò ý kiến
Nhà Quận 8 từ Dương Bá Trạc (cầu Kênh Xáng): Bạn mất mấy tiếng để đi làm - về nhà?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Vào một ngày không mưa, chúng tôi "trải nghiệm" đi qua đoạn kẹt xe này vào giờ tan tầm. Để qua được một đoạn ngắn cầu Kênh Xáng về Dương Bá Trạc, tôi phải mất hơn 4 phút để di chuyển, thay vì chỉ hơn 1 phút vào thời điểm thông thoáng.
Vật lộn với dòng xe mỗi ngày
7 giờ sáng 29.10, tại cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM, hàng chục nghìn phương tiện nhích từng chút trên đường Trường Chinh - Âu Cơ (Q.Tân Bình) đổ về trung tâm thành phố.
Nhiều năm qua, đây luôn là một trong 24 điểm đen kẹt xe nghiêm trọng nhất, thường xuyên trong tình trạng quá tải vì lưu lượng giao thông dày đặc đổ về "con đường huyết mạch" nối liền khu vực ngoại ô Tây Ninh, H.Củ Chi, H.Hóc Môn và nội thành.
PV Thanh Niên, có mặt tại đường Trường Chinh hướng lưu thông từ ngã ba Cộng Hòa đến đường Âu Cơ để ghi nhận tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm buổi sáng và giờ tan tầm. Tiếng còi xe inh ỏi, ai nấy đều muốn đi thật nhanh để không muộn giờ làm hoặc chí ít là thoát khỏi đoạn đường kẹt cứng.
Nhưng thực tế không như mơ, nhiều người dù muốn nhưng đành bất lực, không còn cách nào khác ngoài việc vật lộn với dòng xe ùn ứ. Những người đặt xe công nghệ để không phải chen chúc lái xe cũng chỉ biết ngồi phía sau thể hiện sự nôn nóng.
Thăm dò ý kiến
Nhà ở Âu Cơ - Trường Chinh (Tân Phú): Bạn mất mấy tiếng đi làm và về nhà?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Vào giờ cao điểm buổi sáng, đèn đỏ mỗi lượt kéo dài 60 giây nhưng nhiều xe phải chờ tới 2 - 3 lượt mới có thể di chuyển. Leo lề là cách duy nhất để đi từng đoạn nhưng tình hình cũng không mấy khả thi. Đoạn đường PV ghi nhận cũng có nhiều tuyến xe buýt đi qua, việc đón trả khách vào giờ cao điểm khiến việc kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng.
Anh Lê Quang Trí (37 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) di chuyển trên đường Trường Chinh để đến công ty mỗi ngày chia sẻ: "Cơ quan tôi nằm trên đường Điện Biên Phủ (Q.3), cách nhà khoảng 8 km những mỗi ngày đều tốn hơn 45 phút di chuyển vì kẹt xe.
8 giờ vô làm thì 7 giờ 10 bắt đầu đi, phải dậy sớm hơn rất mệt nhưng cũng đành chịu vì sợ đi trễ. Nhiều khi xe kẹt cứng ngắc từ đầu đường, phải rà chân, bóp thắng liên tục. Tới đoạn đường giao nhau càng kinh khủng, tôi từng "chôn chân" suốt bốn đợt đèn đỏ ở khúc ngã ba Bà Quẹo vì đông xe từ đường Âu Cơ chạy hướng ngược lại cắt ngang".
Không riêng người đi làm, phụ huynh và học sinh cũng chung nỗi niềm "đường Trường Chinh sơ hở là kẹt". Hai trường THCS Trường Chinh và THCS Ngô Quyền nằm cách nhau chỉ 500 m, cũng là nguyên nhân tạo thành hai điểm kẹt cục bộ.
Bà Nguyễn Thanh Hiền (45 tuổi) lắc đầu ngán ngẩm khi nhớ đến cảnh đưa con đến trường mỗi sáng. "Đông người tập trung tại một chỗ, tràn xuống cả lòng lề đường khiến giao thông hỗn loạn. Nhiều khi chỉ còn cách cổng trường 20 m nhưng tôi vẫn đứng "bất động" hơn 5 phút vì kẹt xe. Không ít lần con bị đi học trễ nên tôi phải tranh thủ đưa đến trường sớm hơn", bà Hiền chia sẻ.
Hệ quả quan trọng nhất của những lần ùn ứ, chưa có cách khắc phục triệt để không chỉ là thời gian mà còn là sự lãng phí, gây thiệt hại về mặt kinh tế và sự ức chế tinh thần của hàng chục ngàn người dân mỗi ngày, mỗi giờ!
Bình luận (0)