Cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó, ông Abe cất công đi xa thể hiện sự hậu thuẫn chính trị dành cho cá nhân Thủ tướng Anh David Cameron trong canh bạc mạo hiểm này.
Bản thân chủ trương không ly khai EU nhưng ông Cameron vẫn quyết định cho tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23.6 về việc có ở lại với EU hay không. Nếu cử tri Anh không quyết định rời EU thì vị thủ tướng này sẽ thắng lớn khi vừa thể hiện coi trọng ý nguyện nhân dân, giành được sự ủng hộ của cử tri vừa bẻ gãy sự chống đối của những lực lượng dân tộc chủ nghĩa và trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Nhưng nếu kết quả ngược lại thì ông Cameron sẽ không còn tương lai chính trị gì nữa ở Anh.
Thủ tướng Abe thăm Anh trong tư cách người đứng đầu chính phủ Nhật lẫn chủ tịch đương nhiệm của G7. Vì thế, việc ông Abe ủng hộ ông Cameron còn hàm ý cả thái độ chung của nhóm này.
Tổng thống Obama cảnh báo Anh không nên rời khỏi EU
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22.4 cảnh báo nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì London sẽ phải “xếp hàng phía sau” nếu muốn ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Cả Tổng thống Mỹ lẫn Thủ tướng Nhật đều đi Anh để bàn chuyện của người Anh. Khác với ông Obama, ông Abe không phải lo nguy cơ lợi bất cập hại và phản tác dụng khi công khai thể hiện quan điểm trong vấn đề này. London không quan trọng với Tokyo như với Washington, nhưng cả Nhật và Mỹ đều có lợi ích lâu dài và không khác biệt cơ bản nếu Anh tiếp tục là thành viên EU. Cho nên cả hai mới tìm cách tác động trực tiếp tới tâm lý cử tri Anh. Họ đi xa bàn chuyện người để bảo toàn chính lợi ích ấy.
Bình luận (0)