Địa ngục trần ai trong trại tị nạn Úc

11/08/2016 12:30 GMT+7

Đánh đập, cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ nhỏ… diễn ra hàng ngày tại trại tị nạn ngoài khơi của Úc. Những báo cáo mới phanh phui về trại tị nạn Nauru khiến cả thế giới kinh hoàng.

2.116 báo cáo nội bộ dài tới hơn 8.000 trang về tình trạng lạm dụng tình dục trong các trại tị nạn của Úc trên đảo Nauru (thuộc Nam Thái Bình Dương) đã được tờ The Guardian (Anh) đăng tải vào ngày 10.8.

Theo đó, các báo cáo xác nhận những tình trạng về tấn công, lạm dụng tình dục (trong đó có cả lạm dụng tình dục trẻ em), hành hạ gây chấn thương, điều kiện sống tồi tệ… trên đảo Nauru là chưa từng diễn ra trước đây trong các trại tị nạn Úc. Điều đáng nói là trong 2.116 báo cáo trên, phần lớn nạn nhân là trẻ em với 1.086 báo cáo tai nạn (chiếm 51,3%), 59 báo cáo tấn công tình dục trẻ em, 39 báo cáo trẻ em tự hủy hoại mình, 159 báo cáo trẻ em bị đe dọa làm hại, mặc dù số trẻ em sống trong trại tại thời điểm được báo cáo (5.2013 - 10.2015) chỉ chiếm 18% tổng số người tị nạn.

Trung tâm giam giữ người tị nạn ra nước ngoài này vốn được Úc đặt tại đảo Nauru (thuộc nước Cộng hòa Nauru), chính thức đưa vào sử dụng năm 2001, và từng bị đóng cửa trong suốt thời kỳ cầm quyền của ông Kevin Rudd - thủ tướng thứ 26 của Úc, và chỉ được sử dụng lại từ năm 2012.

Tính tới cuối tháng 6.2016, trại Nauru đã thu nhận 442 người dân tị nạn và di dân, trong đó bao gồm 49 trẻ em. Điều kiện sống của trại quá nghèo nàn, và người tị nạn phải sống trong đau đớn cùng cực không khác gì trại tập trung.

Điều này đã vẽ nên một bức tranh rối loạn và tàn ác trong trại tị nạn, và là một bê bối lớn nhất khiến các cơ quan nhân quyền quốc tế phải lên án chính phủ Úc về vấn đề nhân quyền. Các chuyên gia quốc tế về nhân quyền nhận định, sự việc trên bị phanh phui sẽ khiến chính phủ Úc phải thay đổi chính sách giam giữ người nhập cư.

Trẻ em chiếm hơn 50% báo cáo bị rò rỉ về tình trạng lạm dụng tình dục ở trại tị nạn Nauru của Úc The Guardian

Lạm dụng tình dục diễn ra hàng ngày

Tấn công và lạm dụng tình dục như một chủ đề chính tại trại Nauru, và được báo cáo diễn ra hàng ngày. Đối tượng bị tấn công không ai khác là phụ nữ và trẻ em, và những kẻ thủ ác lại chính là các nhân viên trại - những người có nhiệm vụ trông giữ và giúp đỡ người tị nạn.

Một phụ nữ tị nạn độc thân cứ mỗi lần bước ra khỏi trại đều bị cưỡng hiếp. Một phụ nữ khác muốn xin phép được tắm trong 4 phút, thay cho 2 phút quy định, đã bị nhân viên trại yêu cầu “đổi bằng quan hệ tình dục”. Để hợp pháp hóa tình trạng lạm dụng tình dục đáng ghê tởm trên, các nhân viên của công ty an ninh Wilson, được gọi là “cố vấn văn hóa” của Úc, đã giải thích với các nạn nhân bị xâm hại tình dục trong trại tị nạn này rằng: “Hiếp dâm là việc phổ biến tại Úc, và kẻ phạm tội không hề phải chịu bất kỳ sự trừng phạt nào”.

Tháng 7.2015, bị tác động bởi những lần bạo dâm, một bé gái 10 tuổi đã cởi sạch quần áo và kêu một nhóm người lớn cho tay vào âm đạo mình.

Tháng 2.2015, một cô gái trẻ cầu xin nhân viên trại rạch hỏng âm đạo của mình bởi không thể tiếp tục chịu đựng nổi việc bị cưỡng hiếp.

Làn sóng tự hủy hoại bản thân

Các báo cáo cũng cho thấy, cũng bởi môi trường sống quá khắc nghiệt, nhân quyền và nhân phẩm bị chà đạp, sự chờ đợi mòn mỏi đằng đẵng đã tàn phá sức khỏe về thể chất và tinh thần của người tị nạn.

Một số người đã cố tình tự tử. Một thanh niên tị nạn đã khẩn cầu nhân viên trại tìm hộ một ít đạn và nhờ bắn anh ta để giải thoát. Những người khác cũng có những vô số hành vi tự hủy hoại cơ thể rất đau lòng do tuyệt vọng, chẳng hạn như một phụ nữ dùng dao khắc tên chồng lên ngực vì người chồng đang sống ở Úc, trong khi cô đã tuyệt vọng về một ngày được gặp mặt chồng. Một cô gái trẻ khác vào tháng 9.2014 đã tự khâu môi trên và môi dưới của chính mình dính chặt vào nhau. Một phụ nữ rạch tay mình tự sát bằng bút chì vót nhọn. Một số khác tự đấm vào kim loại để đau đớn…

Ông Peter Young, cựu giám đốc y tế cho hệ thống nhập cư giam giữ của Úc, cho biết sau 6 tháng sống ở trại, số người tị nạn thường nảy sinh khuynh hướng tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân bởi tuyệt vọng. Đây là một hiện tượng rất phổ biến trong nhà tù. Chẳng hạn sự kiện khâu môi là tượng trưng cho sự kháng nghị câm lặng, bất lực tới cùng cực.

Theo lời giáo viên của trại tiết lộ, một số trẻ nhỏ sống trong trại còn viết lên cả sách các dòng chữ rất đau lòng như: “Con muốn chết”, “Con cần cái chết để được giải thoát”…

Trẻ em trong trại tị nạn ở Nauru AFP

Chính phủ Úc bị chỉ trích

Những bê bối trong trại tị nạn ngoài khơi của Úc từ lâu đã bị các cơ quan nhân quyền chú ý. Tuy nhiên do các khâu truyền thông quá thành công, nên nhiều vụ việc tệ hại đã được che giấu. Và sự thật về trại Nauru được công bố lần này chỉ được coi là một sự vén màn sự thật cho những trại tị nạn khác của Úc.

Năm 2015, chính phủ Úc trong một cuộc điều tra có liên quan đã mạnh miệng tuyên bố sẽ đảm bảo và cải thiện mọi điều kiện sống của trại tị nạn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tị nạn. Công ty an ninh Wilson từng cam kết trước quốc hội Úc về việc sẽ tăng cường các chính sách mạnh mẽ và quy trình hoàn thiện, an toàn đối với công tác tại trại tị nạn Nauru, đồng thời cam kết sẽ xử lý thích đáng, kịp thời những vụ tấn công, lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên theo báo cáo bị phanh phui trên báo chí, những lời hứa hẹn này hoàn toàn trái ngược với thực tế. Trong năm 2015, tình hình bạo lực và lạm dụng tình dục trong trại không hề thuyên giảm, thậm chí còn tăng mạnh.

Chính phủ Úc hiện phải hứng chịu những chỉ trích vì thiếu giám sát các trại tị nạn. Ngày 10.8, cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng và kêu gọi các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phản ứng nhanh để giải quyết tình hình cho trại tị nạn Nauru.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.