Địa phương bất lực trước nạn 'cát tặc'

18/11/2014 16:45 GMT+7

(TNO) Thừa nhận “cán bộ ăn lương nhà nước thì phải làm việc” và biết có chuyện khai thác cát trái phép gây bức xúc cho người dân, nhưng lãnh đạo huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội cho rằng, vì điều kiện của huyện nên “lực bất tòng tâm”.

>> Dân kêu trời vì cát tặc
>> Gần 200 cảnh sát vây bắt 'cát tặc' trên sông Hồng
>> Cát tặc' vẫn hoành hành trên sông Rào Trổ
>> Sạt lở triền miên vì… cát tặc

 cat-tac
Ông Bùi Xuân Trường cho biết không dẹp được "cát tặc" khiến lãnh đạo huyện
rất “khổ tâm” - Ảnh: Thái Sơn

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18.11, lãnh đạo huyện Phúc Thọ đã báo cáo tình hình khai thác cát sỏi trên sông Hồng qua địa phận huyện, liên quan đến việc lực lượng công an bắt giữ hơn 40 tàu hút cát trái phép.

Ông Hoàng Mạnh Phú, Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ thừa nhận, các cơ quan quản lý địa phương đều biết có tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn từ những năm 2009, nhưng đến nay, chính quyền chỉ xử lý được 6 vụ, phạt hành chính chưa đầy 200 triệu đồng. “UBND huyện đã có 8 văn bản về tăng cường quản lý khai thác khoáng sản và 3 văn bản báo cáo thành phố đề nghị giúp đỡ nhưng lực bất tòng tâm”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, các đối tượng "cát tặc" sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi, chỉ hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ lễ, trong khi đó, lực lượng cảnh sát chuyên trách mỏng không có phương tiện để tuần tra xử lý. “Ban đêm, chúng tôi nhìn thấy "cát tặc" hoạt động nhưng không có phương tiện để ra bắt, mình tổ chức lực lượng thì đối tượng bỏ chạy sang địa phận của huyện khác”, ông Phú nói và cho biết, hiện nay ranh giới giữa huyện Phúc Thọ và huyện Yên Lạc thuộc tỉnh Vĩnh Phúc chưa thống nhất dẫn đến tình trạng: “khi quản lý khai thác khoáng sản địa phương nào cũng muốn nhận nhưng xảy ra việc thì lại né tránh”.  

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, trong vụ 200 cảnh sát vây bắt "cát tặc" vào rạng sáng ngày 8.11, có sự tham gia của lực lượng công an huyện, nhưng theo tiết lộ của một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an - đơn vị chủ công vụ vây bắt, chỉ có lực lượng của Bộ và thành phố Hà Nội tham gia.

Ông Bùi Xuân Trường, Trưởng công an huyện Phúc Thọ cho biết, tình hình khai thác cát lậu nổi cộm từ những năm 2012 và công an huyện đã lập chuyên án đấu tranh, nhưng chưa kịp làm gì thì Bộ Công an đã triệt phá.

Đáng chú ý, ông Bùi Xuân Trường cho biết, liên quan đến vụ triệt phá đường dây khai thác cát trái phép, cơ quan chức năng đang lưu ý đến đối tượng Vũ Đình T., có công ty hoạt động trên địa bàn huyện chuyên về khai thông dòng chảy và trị thủy, có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, “thực chất đối tượng này chỉ chỉ đạo tay chân, chứng minh hành vi vi phạm không dễ”, ông Trường nói.

Trước câu hỏi đặt ra: Hoạt động "cát tặc" xảy ra trong 5 năm nhưng không dẹp được phải chăng có sự "bảo kê"? Ông Trường quả quyết là không có chuyện này. "Chúng tôi kiên quyết trong chỉ đạo, nhân dân kiến nghị nhiều lần nhưng không làm được thì chúng tôi rất khổ tâm”, ông Trường nói.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.