Địa phương nào cũng báo cáo tốt nhưng dân vẫn khiếu kiện !

18/08/2005 23:33 GMT+7

Hôm qua 18.8, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) là địa điểm làm việc tiếp theo của đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT). Sau khi cán bộ huyện đọc báo cáo về tình hình thi hành Luật Đất đai tại địa phương, ông Nguyễn Khải - Trưởng đoàn kiểm tra nhận xét: "Nếu thực tế như tất cả những gì trong bản báo cáo thì tình hình thi hành Luật Đất đai ở Xuyên Mộc là không có điều gì thiếu sót. Nhưng địa phương nào cũng báo cáo tốt, tại sao vẫn có dân gặp đoàn để khiếu kiện?".

Trong buổi sáng đã có khoảng 180 người mang đơn đến khiếu nại với đoàn. Lý do khiếu nại chủ yếu xoay quanh vấn đề đất của những hộ đến khai hoang tại Xuyên Mộc đã mấy chục năm nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ; dân bị thu hồi đất để làm công trình công ích nhưng cuối cùng lại đem cấp cho người khác; cán bộ địa chính đến giải tỏa đất mà không có quyết định thu hồi. Trong cuộc họp, không ít lần ông Khải nhận xét bản báo cáo của huyện là quá chung chung. Sau buổi họp, ông Khải trầm ngâm: "Nếu địa phương nào cũng không chịu chỉ ra chỗ thiếu sót của mình thì rất khó để đoàn kiểm tra cùng tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành Luật Đất đai. Dân sẽ còn kiện hoài". Trong buổi làm việc tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có hơn 50 người dân nộp đơn cho đoàn kiểm tra. Gây ấn tượng mạnh nhất là sự có mặt quá đông của lực lượng dân quân xã...

Tại buổi làm việc ở huyện Đức Hòa (Long An), đoàn kiểm tra số 12 "đụng" ngay chuyện đền bù, giải tỏa. Ngoài khuyết điểm chính là do việc chậm điều chỉnh giá, thì nhiều nơi chính quyền còn làm theo quy trình ngược: giải tỏa trước rồi đền bù, tái định cư sau. Chính vì vậy người dân càng bị thiệt hại. Đáng chú ý là qua mấy ngày đoàn kiểm tra số 12 làm việc tại Long An, có quá nhiều người dân tố cáo bị ức hiếp, bị chiếm ruộng đất với nhiều hình thức. Chiều 18.8, ông Trần Văn Tọ, đại diện cho 9 hộ nông dân ngụ ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc tố cáo trước đoàn việc đất của người dân đang sử dụng thì bị Trạm Lâm nghiệp huyện Đức Hòa chiếm lấy rồi chia chác lại cho cán bộ.

Ngày 18.8, đoàn kiểm tra số 10 đã làm việc tại tỉnh Sóc Trăng. Theo báo cáo, toàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã có 94,25% số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhưng khi được hỏi "đã cấp chuẩn xác chưa?" thì Trưởng phòng TN-MT huyện Nguyễn Hoàng Dân thừa nhận: "Vẫn còn rất nhiều hồ sơ có sai sót do trước đây, khi cấp GCN chỉ dựa vào bản đồ giải thửa theo Chỉ thị 299 chứ không có đo đạc thực tế".

Tại Phú Yên, đoàn kiểm tra do ông Bùi Ngọc Tuân, Vụ phó Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) làm trưởng đoàn đã bắt đầu buổi làm việc đầu tiên ngày 18.8. Theo UBND tỉnh, đến nay việc cấp GCNQSDĐ ở tỉnh chỉ mới đạt 41%; đáng chú ý là có đến 13.325 GCNQSDĐ đã cấp nhưng chưa được giao cho người dân. Còn ở Thanh Hóa, trong buổi tiếp dân sáng 17.8, đoàn kiểm tra số 3 của Bộ TN-MT do ông Lê Thanh Khuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) làm trưởng đoàn đã nhận được hơn 100 đơn thư của người dân (trong đó có nhiều đơn thư đứng tên tập thể) đại diện hàng trăm hộ dân trong tỉnh với nhiều bức xúc xung quanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tranh chấp đất đai kéo dài...

Tại TP Lạng Sơn, Bộ trưởng TN-MT Mai Ái Trực đã phải làm việc đến hơn 19 giờ hôm qua nhưng cũng chưa thỏa mãn được ước mong "trình bày" của hơn 300 người dân, chủ yếu quanh chuyện đền bù giải tỏa. Bà Hồ Thị Liên (phường Hoàng Văn Thụ) bức xúc: "Tôi không quan trọng giá đền bù cao hay thấp nhưng lấy của tôi cái nền nhà thì cũng phải tái định cư cho tôi một cái nền nhà". Bà Hoàng Thị Cừu (xã Mai Pha) tố cáo việc chính quyền làm không đúng trình tự khi thu hồi đất của hơn 100 hộ dân để làm khu tái định cư (cho các dự án khác) nhưng lại không có phương án tái định cư cho chính các hộ dân bị thu hồi đất. Bộ trưởng Mai Ái Trực đã thẳng thắn phê bình cách làm việc vô nguyên tắc này.

Tr.Bảo - H.Phương - T.H.Thi - H.Phiên - Ng.Minh - An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.