Dịch bệnh mùa mưa

28/10/2011 09:26 GMT+7

Mùa mưa luôn đi kèm với những dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, cúm... Nếu không có những giải pháp kịp thời, tích cực, dịch sẽ lây lan.

Tập trung phòng dịch

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng chia sẻ với Thanh Niên, ngành y tế đã lên những phương án để đối phó với dịch bệnh trong mùa mưa năm nay. "Thời tiết thất thường, ẩm ướt là điều kiện để dịch bệnh phát triển, vì vậy chúng tôi vẫn luôn đặt ra tiêu chí tầm soát kỹ lưỡng, để vừa phát hiện một mầm bệnh là phải dập ngay, không để phát triển thành dịch. Chúng tôi xem phòng dịch là tiêu chí hàng đầu!", BS Thạnh khẳng định.

Trong năm 2010, sốt xuất huyết gia tăng và bùng phát thành dịch ở nhiều vùng, cả nước ghi nhận 128.831 trường hợp mắc, 109 trường hợp tử vong. Tại miền Trung, số ca sốt xuất huyết là 35.865, tăng 3,1 lần so với năm 2009, làm 24 người tử vong.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)

Công tác phòng dịch bắt đầu từ việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tổ chức dọn vệ sinh khu dân cư sau những đợt mưa lớn. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng cũng mở chiến dịch phun hóa chất trên toàn thành phố. Đặc biệt, 240 tổ của 13 phường trên địa bàn Đà Nẵng, là những vùng hay xuất hiện dịch những năm trước, đã phun hóa chất ngay từ những đợt mưa đầu tiên. Việc xử lý ngay từ đầu sẽ giúp tình hình dịch được kiểm soát, không để bùng phát trong mùa mưa. Cùng với việc phun thuốc phòng dịch, Trung tâm Y tế dự phòng TP còn tổ chức tập huấn cho các tổ trưởng để tuyên truyền đến mỗi người dân trong khu phố chủ động phòng dịch, giám sát chặt chẽ những ổ bệnh, và lập tức báo cáo xử lý khi dịch chưa bùng phát.

Mùa dịch bệnh

Hằng năm, cứ vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết lại bùng phát mạnh mẽ. Những cơn mưa lớn ở một số nơi không có hệ thống thoát nước nhanh chóng, là cơ hội để muỗi sốt xuất huyết sinh sôi, nảy nở. Còn nhớ năm 2010, cũng vào thời điểm mùa mưa, Đà Nẵng có hơn 4.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tháng 9 đến 1.000 ca, có 2 ca tử vong tại Đà Nẵng. Các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải vì dịch sốt xuất huyết, có bệnh viện thậm chí phải bố trí nằm ngoài hành lang mới đủ chỗ cho bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm việc hết công suất, tăng ca thường xuyên vẫn không đủ lực lượng để chăm sóc cho toàn bộ bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời điểm "đỉnh" dịch. Dịch tay chân miệng cũng là một thách thức đối với ngành y tế và nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh có con nhỏ đang đi học. Tại Đà Nẵng, đã có 3 ca tử vong. Hiện dịch đang trong tình trạng chỉ mới được khoanh vùng chứ chưa thể khống chế triệt để.


Đến mùa dịch bệnh, Trung tâm phụ sản - Nhi Đà Nẵng luôn quá tải - Ảnh: Diệu Hiền

Bác sĩ Trần Hùng, Trung tâm Bác sĩ gia đình - Family Đà Nẵng, cho rằng mùa mưa ở miền Trung thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Vào mùa này, có nhiều bệnh lý phát triển mạnh ở cả trẻ em và người lớn như tiêu chảy, hen suyễn. Nhưng hay gặp nhất và gây nhiều tác hại cho cộng đồng là sốt xuất huyết và cúm. Mưa, lạnh được xem là mùa thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, nên không thể xem thường.

Các triệu chứng cần lưu tâm

Triệu chứng của sốt xuất huyết khá đa dạng tùy mức độ. Nhẹ: người bệnh sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng: có dấu hiệu xuất huyết, chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen; đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi mắc bệnh, người bệnh nên đến bác sĩ để chẩn bệnh, đừng chủ quan tự điều trị.

Riêng với cảm cúm, đây là một bệnh phổ biến vào hạng nhất. Người ta rất hay nhầm lẫn giữa cúm (do vi rút) và cảm (do thời tiết). Virus cúm có rất nhiều chủng, có chủng gây bệnh lẻ tẻ thuộc tuýp B, có chủng thuộc tuýp A gây dịch hàng loạt (như cúm H1N1, H5N1). Bệnh cúm khởi phát rất đột ngột với triệu chứng: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng lên 39 - 40 độ C ngay ngày đầu, kéo dài 3 - 5 ngày, kèm theo triệu chứng mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau đầu như búa bổ, đau nhức các cơ xương, khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng buồn nôn, táo bón.

Cảm là bệnh nhẹ hơn, cần phải giải thích theo đông y. Nguyên nhân là do khí hậu thất thường của thời tiết, như đang lạnh đột ngột chuyển nắng nóng, và ngược lại. Tùy các biểu hiện bệnh nặng nhẹ mà có cách điều trị khác nhau. Giữ ấm, ăn no và uống thuốc theo toa bác sĩ. Quan trọng nhất trong phòng lây lan là nên dùng khẩu trang hoặc khăn tay nếu có ho để tránh lây bệnh cho người khác.

Bác sĩ TRẦN HÙNG

Bảo Nguyên (ghi)

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.