Điều trị SXH tại Đà Nẵng - Ảnh: A.D |
Dai dẳng dịch bệnh
Dù được Bộ Y tế cấp hỏa tốc 100 cơ số thuốc và ngành chuyên môn sớm vào cuộc khống chế dịch bệnh sau bão số 11, nhưng dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp ở Quảng Nam. Hôm qua 28.10, ông Võ Quang Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết 3 khu vực đang được ngành chức năng chỉ đạo tập trung xử lý dịch gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An; riêng địa bàn H.Điện Bàn tương đối ổn định trong vòng 1 tuần qua. Ghi nhận của ngành chức năng cho thấy, có hơn 1.021 trường hợp SXH, trong đó 2 tháng 9 và 10 mỗi tuần phát hiện bình quân 40-50 trường hợp nhiễm dịch. “Cũng có khả năng dịch SXH bùng phát vì diễn biến thời tiết và môi trường phức tạp sau bão lũ vừa rồi. Chúng tôi đã tập trung các cơ số thuốc, hóa chất và tập trung ngay từ đầu, nhưng do thời tiết bất lợi nên rất khó xử lý”, ông Võ Quang Lợi nói. Vùng trọng điểm SXH tại Quảng Nam hầu như tập trung ở khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, vốn được cảnh báo từ sớm về nguy cơ bùng phát dịch bệnh ngay sau hai đợt bão số 10 và 11. Tại TP.Hội An, “rốn lũ” của Thu Bồn, diễn biến của dịch cũng khá phức tạp khi liên tiếp xuất hiện các trường hợp bị SXH ở khối phố Thanh Chiêm (P.Thanh Hà) và xã Cẩm Kim. Từ giữa tháng 10, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng chủ động giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý nhanh không để dịch bệnh bùng phát, trong đó ngoài SXH còn lưu ý các bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, nước ăn chân… Tuy nhiên, hiện tại ngành y tế Quảng Nam vẫn chưa hoàn toàn yên tâm khi dịch vẫn đang xuất hiện rải rác ở nhiều xã. Tính từ đầu năm đến nay, ngành y tế Quảng Nam đã kịp dập tắt 82 ổ dịch SXH, nhưng diễn biến của dịch vẫn khó lường. “Dịch bệnh vẫn còn tiếp tục phát triển, nếu chúng ta không quyết liệt khống chế”, ông Võ Quang Lợi khẳng định.
Một ca tử vong do SXH
|
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng cho biết tình hình dịch SXH vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận thêm 70 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết lên đến hơn 1.400 ca, tính từ đầu năm đến nay. Ghi nhận tại Trung tâm Y tế Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng), trong số 43 ca mắc SXH đang được điều trị tại đây thì có đến hơn 50% trong số đó được cảnh báo ở tình trạng nguy hiểm, nhiều trường hợp bị SXH dengue thể nặng, trụy mạch, xuất huyết niêm mạc… Theo báo cáo của ngành y tế TP.Đà Nẵng, đã có 1 bệnh nhi (13 tuổi) trên địa bàn Q.Liên Chiểu tử vong do SXH.
Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc –xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng) tại Đà Nẵng xuất hiện đầy đủ 4/4 tuýp virus SXH (D1, D2, D3, D4). Chính vì vậy, nguy cơ nhiễm chéo, biến chứng và gây tử vong rất cao và đây cũng là nguyên nhân khiến cho dịch SXH tại Đà Nẵng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Hiện ngành y tế thành phố đang tăng cường giám sát, xử lý các ổ dịch, giảm thiểu tình trạng dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cụ thể, trong tuần này, các đội y tế sự phòng các quận, huyện sẽ phối hợp với người dân tập trung xử lý 8 ổ dịch trên địa bàn Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, hộ gia đình tích cực ra quân làm sạch môi trường ở các khu dân cư, diệt loăng quăng, bọ gậy và kêu gọi người dân ngủ màn kể cả ban ngày. Nếu có dấu hiệu nghi SXH thì cần đưa người bệnh đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng dẫn đến tử vong.
Hứa Xuyên Huỳnh - An Duy
Bình luận (0)