Bệnh nhân đang điều trị thủy đậu tại bệnh viện Da liễu Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền |
Dịch tăng gấp 4 lần
Với diễn tiến thời tiết bắt đầu vào thời điểm giao mùa, có nhiều thay đổi, nên dịch bệnh vì vậy cũng có chiều hướng bùng phát mạnh. Theo ghi nhận của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, thì số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đến khám và điều trị rất nhiều. Cụ thể, tính đến đầu tháng 3.2014, đã có gần 500 lượt bệnh nhân đến khám tại phòng khám của khoa Da liễu, trong khi đó con số này năm 2013 chỉ 130 lượt người. Có 125 lượt bệnh nhân điều trị nội trú do mắc thể nặng. Còn những bệnh nhân thể nhẹ, có thể được hướng dẫn điều trị tại nhà. Dù khoa Da liễu của bệnh viện chỉ có 80 giường bệnh, nhưng luôn có 100 bệnh nhân điều trị nội trú, đa phần vẫn là bệnh nhân thủy đậu.
|
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, thủy đậu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng, quần áo của người bệnh. Thực chất, đây là một bệnh thông thường, nhưng không được chủ quan, bởi nếu bệnh xảy ra với phụ nữ có thai thì việc nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai, hoặc để lại nhiều dị tật cho trẻ trong giai đoạn thai kì... Không chỉ vậy, với những bệnh nhân có thể trạng yếu, sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng đường huyết... “Người mắc bệnh thủy đậu thực chất không nên ngại vệ sinh cơ thể, bởi việc giữ vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ sẽ hạn chất được rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, cũng cần phải tránh xa nơi đông người, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho cộng đồng”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Đã phát hiện bệnh sởi
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, hiện tại Đà Nẵng, dịch sởi cũng đã bắt đầu xuất hiện. Theo đó, với 5 trường hợp bệnh nhân sốt phát ban được khoanh vùng nghi sởi, ngành y tế Đà Nẵng đã gửi mẫu xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, và kết quả cho thấy, có 2 mẫu dương tính với dịch bệnh sởi. Trong đó, một trường hợp em bé 8,5 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi để tiêm phòng vắc xin sởi, còn một trường hợp là một thanh niên 23 tuổi. Bên cạnh đó, dịch bệnh sốt phát ban, sốt xuất huyết, cảm cúm, rubella... cũng bắt đầu xuất hiện tại Đà Nẵng. Người dân quá lo ngại với dịch bệnh bùng phát, đã đổ xô đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng chờ tiêm ngừa các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thế nhưng, hầu hết đều được nhận thông báo là các loại vắc xin tiêm ngừa gồm vắc xin thủy đậu, Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim Pháp (5 trong 1) và vắc xin 3 trong 1 sởi, quai bị, rubella (Séc)... đã hết hàng, tạm ngưng chích trong thời gian khoảng từ 1-2 tháng. “Mỗi ngày có cả trăm người đến đăng ký tiêm ngừa vắc xin dịch vụ cho con, nhưng chúng tôi giải thích là đã hết vắc xin cả nửa tháng nay; nhiều phụ huynh bỏ ra về, nhưng cũng có nhiều phụ huynh phản ứng rất gay gắt”, một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, người dân cần phải xác định tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ lúc 12 tháng tuổi, và tiêm nhắc lại lúc trẻ từ 4 đến 6 tuổi, đừng để đến khi dịch bùng phát thì mới bắt đầu đổ xô đi tiêm ngừa. Khi đã vào mùa dịch thì việc tiêm ngừa sẽ không mang lại hiệu quả cao, bởi có khi thể trạng đã nhiễm bệnh.
Diệu Hiền
Bình luận (0)