Dịch tiêu chảy cấp lan rộng

10/04/2008 00:31 GMT+7

* Bệnh tả đã xuất hiện tại TP.HCM Dịch diễn biến phức tạp Hội nghị toàn quốc về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được tổ chức hôm qua 9.4 tại Hà Nội.

Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu năm 2008 phải là năm có chuyển biến thực sự, sâu sắc về ATVSTP. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ ngành "sửa đổi Nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, đảm bảo đủ mức răn đe. Người có trách nhiệm quản lý tại địa phương để xảy ra dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý".

Ngay sau đó, Hội nghị giao ban phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được Bộ Y tế tổ chức cuối chiều qua với sự có mặt của đại diện lãnh đạo các Sở Y tế có dịch diễn biến phức tạp: Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa, Hải Phòng... Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, số tỉnh có bệnh nhân mắc tả chưa dừng lại. Trong vụ dịch từ 5.3 đến sáng 9.4 đã có 121 ca dương tính với vi khuẩn tả, trải dài trên 15 tỉnh, thành (chưa kể một trường hợp đầu tiên của TP.HCM). Hà Nội có số bệnh nhân cao nhất với 44 trường hợp. Đường lây nhiễm chủ yếu vẫn qua ăn uống, thực phẩm không an toàn.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số bệnh nhân nhập viện điều trị tiêu chảy cấp lên đến 708 ca tại 30/232 xã, phường thuộc 13/14 quận, huyện. Hồ Linh Quang - nơi có mẫu xét nghiệm nước dương tính với vi khuẩn tả đã được xử lý 1,35 tấn Cloramin B, hiện đã cho xét nghiệm âm tính. Theo Sở Y tế Hà Tây, tỉnh đã có 25 xã có bệnh nhân tả và hiện còn 5 ổ dịch vẫn có bệnh nhân mới.

Thông báo về các kết quả xét nghiệm mới nhất, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: "Vi  khuẩn tả phát hiện được trong 3 vụ dịch gần đây (kể từ cuối tháng 10.2007) đã khác với vi khuẩn tả trong các đợt dịch cũ (thời điểm 2000-2002-2004). Vì vậy, nhiều khả năng vi khuẩn tả vụ dịch 2007 là xâm nhập từ bên ngoài vào. Đáng lưu ý, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn chiếm 20-75% trong số các mẫu được xét nghiệm, tùy thuộc vào từng địa phương.

Theo ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang tập trung lo quản lý nguồn nước vì nguồn nước máy mới cung cấp được cho 80% người dân trên địa bàn, nhưng ở cuối nguồn nước yếu và chưa đảm bảo được nồng độ Clo dư. 20% người dân thuộc vùng chưa được cung cấp nước máy còn sử dụng nước giếng khoan và nguồn nước khác, vì vậy, Sở Y tế thành phố đã phải tăng cường cloramin B xuống các quận, huyện, thuyết phục người dân khử khuẩn nước trước khi sử dụng. Ông Giang cho biết thêm, sẽ làm quyết liệt việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước đóng chai. Nếu phát hiện nơi nào không đảm bảo an toàn nguồn nước sẽ đóng cửa.

Bệnh tả xuất hiện tại TP.HCM

Tại TP.HCM, hôm qua cũng đã xuất hiện ca bệnh tả đầu tiên. Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Mơi, 71 tuổi (thường trú tại Sơn Giang, Phước Long, tỉnh Bình Phước, nơi trọ trên đường số 10, khu phố 2, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Lúc 23 giờ đêm 6.4, bà Mơi bị tiêu chảy ồ ạt, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược. Do cơ thể bệnh nhân mất quá nhiều nước và các chất điện giải nên phải truyền đến 16 chai dịch truyền (loại chai 500 ml). Sau khi hội chẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược đã nghi ngờ bệnh tả và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Kết quả cấy phân của bệnh nhân hôm qua đã cho thấy dương tính với phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae Ogawa. Hiện bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Được biết, trước đó bà Mơi có mua thức ăn bán rong gần chợ Bình Triệu để ăn. Vài giờ sau khi ăn, bà bị đau bụng dữ dội, nôn ói, tiêu chảy toàn nước.

Ngoài ra, một trường hợp khác đang được theo dõi, nghi ngờ mắc bệnh tả cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh nhân Lý Đỗ Quốc T. (16 tuổi, ngụ ở TP.HCM). Bệnh nhân này cũng bị tiêu chảy ồ ạt, nhập viện đêm 8.4 trong tình trạng mạch, huyết áp bằng 0. Trong đêm 8.4, bệnh nhân được truyền đến 10 lít dịch truyền. Các bác sĩ cho biết phải đợi xét nghiệm phân, dự kiến hôm nay mới có kết quả.  

Liên Châu - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.