Có lần, chị đồng nghiệp kể chuyện anh bạn ở xa về lần đầu tiên đi xem kịch ở Sài Gòn. Sau khi xem xong, anh bạn kết luận một câu xanh rờn: “Tôi đã... bị điếc vĩnh viễn!”.
Nghe có vẻ thậm xưng thật, nhưng cũng không phải là chuyện quá kỳ lạ nếu nhìn lại cách dựng và diễn của sân khấu hiện nay.
Mấy năm gần đây khi kịch ma, kịch kinh dị trở thành một trào lưu thời thượng và ăn khách, chuyện khán giả liên tục bị giật mình bởi những âm thanh khuếch đại, những tiếng la hét chói tai khi ngồi trong khán phòng đã là chuyện thường ở huyện.
|
Không phủ nhận đó là một trong những chiêu thức bắt buộc của thể loại kịch này nhằm làm tăng mức độ rùng rợn, đáng sợ để hù khán giả đến nơi đến chốn. Những chiêu này từng được “đặt để” một cách hiệu quả và đắc địa trong một số vở như Người vợ ma, Quả tim máu (sân khấu Hồng Vân), Lầu hoang (Nhà hát Thế giới trẻ)... Nhưng càng lúc chúng càng bị lạm dụng một cách quá đà và không cần thiết. Chẳng hạn trong những vở kịch kinh dị mới như: Thứ sáu ngày 13, Ma sói (sân khấu Superbowl), Ngôi trường số 13 (sân khấu Trần Cao Vân) có quá nhiều đoạn âm thanh cứ giội ầm ầm hết cỡ làm khán giả giật bắn mình, nhưng hóa ra tình tiết chẳng có gì. Hay những vở như Áo cho người chết, Biệt thự ma (sân khấu kịch Sài Gòn) thì khán giả liên tục bị “dập” bởi âm thanh máy, tiếng thét thất thanh của các nhân vật một cách quá lố.
Không chỉ có kịch ma mới thế, đi xem một vở tâm lý xã hội cũng sẽ có nguy cơ nhức tai như thường nếu không quen. Trong vở Lẩu trăn (kịch IDECAF), không ít khán giả đã sững sờ khi nghe nhân vật ca sĩ Mộng Như Mơ bất ngờ gào lên một câu chửi dài đến khản cổ. Cũng như vậy, khán giả bội thực với những màn chửi nhau xối xả trong vở Ai sợ ai? (sân khấu Nụ Cười Mới). Hay trong vở Cuộc chiến sui gia (sân khấu Trần Cao Vân), những cảnh tụ tập đá gà, sui gia nạnh họe nhau, đám cưới rình rang đều gần như trở thành những cảnh hỗn loạn trên sân khấu với quá nhiều diễn viên, âm thanh, tiếng nói khiến người xem bị rối, không nghe kịp câu thoại nào của nhân vật nào, có ý nghĩa gì.
Chuyện như thế cũng diễn ra trong vở Tình yêu nổi loạn (Nhà hát Thế giới trẻ) với những đại cảnh ồn ào không cần thiết. Rồi cảnh tán tỉnh rộn ràng trong vở Sống thử (sân khấu 5B) tuy mang lại tiếng cười cho người xem, nhưng lặp lại với cùng kiểu diễn của các chàng trai và kiểu la của các cô gái, phần nào làm giảm độ hấp dẫn.
Còn trong những vở kịch dành cho thiếu nhi của sân khấu IDECAF, các nhân vật bước ra từ trong cổ tích và thần thoại nhưng cứ la ó và đuổi nhau chạy vòng vòng khắp sân khấu, kèm theo đó là tiếng nhạc phụ họa với công suất lớn, khiến khán giả nhí nhiều phen hết hồn. Ðó là còn chưa kể đến chuyện nếu đi xem tấu hài ở các sân khấu, tụ điểm thì cường độ và mật độ của những kiểu diễn giao đãi ồn ào còn nặng đô hơn, “nội công” làm náo loạn sân khấu của diễn viên cũng thâm hậu hơn.
Vẫn biết đặc trưng cơ bản của một nghệ sĩ khi diễn trên sân khấu, so với phim ảnh là phải cường điệu hơn một chút. Từng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói hay động tác hình thể trên sân khấu cũng đòi hỏi phải rõ ràng, sắc nét để đảm bảo khán giả dù ngồi ở vị trí nào trong khán phòng cũng có thể nắm bắt được những gì họ thể hiện. Nhưng dù sân khấu có quyền khoa trương hay cách điệu thì cũng không nên biến nó thành một nơi náo động không cần thiết, bởi chưa biết điều đó có làm cho khán giả hiểu rõ, nghe rõ hơn không, mà quả thật nhiều người đã bắt đầu ngại đến rạp hát vì sợ bị “điếc vĩnh viễn”, như cách nói vui nhưng đầy tâm trạng của anh bạn kia.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)