Diêm dân Sa Huỳnh khốn khó vì muối rớt giá kỷ lục

21/08/2010 15:02 GMT+7

(TNO) Chưa bao giờ, cuộc sống của hàng ngàn diêm dân Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay bởi giá muối rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua.

Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, đồng muối Sa Huỳnh có diện tích 112 ha nằm trên địa bàn thôn Long Thạnh và Tân Diêm. Dù vụ muối 2010 còn khoảng một tháng nữa mới kết thúc nhưng sản lượng đã đạt hơn 8.000 tấn. Được mùa muối, nhưng 867 hộ diêm dân Sa Huỳnh đều… méo mặt, cuộc sống đang đối mặt với bao khó khăn chồng chất, bởi giá muối liên tục giảm và rớt xuống mức kỷ lục, chỉ còn 300 đồng/kg. 

Giữa trưa nắng như lửa đốt, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, chị Phạm Thị Kỷ, ở thôn Long Thạnh, buồn bã đưa tay chỉ xuống ruộng muối của mình đã kết hạt trắng tinh, than thở: “Cực nhọc trăm bề mới làm ra được hạt muối nhưng giá lại rẻ như bèo. Bán cả tạ muối mới mua được hơn hai cân gạo!”.

Không có ruộng lúa, từ bao năm qua, gia đình chị Kỷ với bốn miệng ăn đều trông chờ vào hạt muối để đắp đổi qua ngày. Với hơn 100m2 ruộng muối, dù phải quần quật đội nắng suốt gần năm tháng qua nhưng cả nhà đều rất vui với sản lượng muối đã làm được hơn năm tấn.

Nào ngờ, đến khi bán muối để mua gạo, trang trải cuộc sống gia đình, lo quần áo, sách vở cho con bước vào năm học mới thì giá muối lại rớt thê thảm khiến chị Kỷ chỉ biết... than trời!

“Nếu bây giờ bán cả năm tấn muối cũng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng. Mà nếu không bán thì lấy đâu ra tiền mua gạo ăn”, chị Kỷ thở dài.


Muối không có người mua, diêm dân phải tự xoay sở đưa đến các nơi khác bán hoặc đổi lúa - Ảnh: Hiển Cừ

Giá muối đã thấp lại bị tư thương o ép, không chịu mua nên nhiều gia đình diêm dân Sa Huỳnh chẳng còn cách nào khác là “nai lưng” cõng muối đi bán dạo hoặc đổi lúa ở khắp các địa bàn trong tỉnh.

Bà Đỗ Thị Hường (cũng ở thôn Long Thạnh) não nề nhìn gánh muối nặng hơn 50kg nói: “Gánh gãy cả lưng, đi dạo cả buổi khắp xóm, làng mới bán được 15.000 đồng. Chẳng còn gì khổ hơn”.
 
Muối đầy nhà, đầy vườn, tràn ra cả ven quốc lộ 1A với từng đống cao ngất nhưng giá rẻ mạt mà chẳng có ai mua nên cái đói đang chực chờ trước mặt đối với hàng ngàn diêm dân Sa Huỳnh cùng với đó là nỗi lo con cái thất học.
 
Ông Nguyễn Hữu Chánh suốt hơn 15 năm qua luôn được diêm dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hợp tác xã Muối 2 - Sa Huỳnh bộc bạch: “Nhìn cuộc sống của diêm dân nghèo vẫn hoàn nghèo, được mùa nhưng vẫn không đủ sống, lãnh đạo hợp tác xã đều cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm nhưng chẳng biết làm gì hơn, lực bất tòng tâm”.

Theo ông Chánh, cách đây bốn năm, khi Nhà máy Muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh do Công ty Dược và vật tư y tế Quảng Ngãi đầu tư với số vốn hơn năm tỉ đồng xây dựng ngay tại đồng muối, diêm dân Sa Huỳnh khấp khởi mừng thầm vì đã có nơi thu mua, chế biến muối. Tuy nhiên, lấy lý do muối Sa Huỳnh chất lượng không tốt, bị nhiều tạp chất, nên mỗi vụ nhà máy chỉ mua của diêm dân Sa Huỳnh được vài chục tấn, còn lại đi thu mua ở các tỉnh khác. Được vài năm, do làm ăn kém hiệu quả, nhà máy đóng cửa rồi trở thành đống… sắt vụn!


Hàng ngàn tấn muối của diêm dân Sa Huỳnh “ứ đọng” đầy nhà, đầy vườn - Ảnh: Hiển Cừ

Không chỉ não ruột với Nhà máy Muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh bị phá sản mà diêm dân Sa Huỳnh còn thất vọng với dự án quy hoạch lại đồng muối Sa Huỳnh thành vùng sản xuất chuyên canh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt bị treo suốt nhiều năm qua.

Trong khi đó, diêm dân lại “đỏ mắt” mong mỏi có được “sổ đỏ” ruộng muối đang sản xuất của mình để chuyển đổi từ phương thức sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối kết tinh trên nền xi măng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng muối.

“Việc cấp quyền sử dụng đất muối cho diêm dân sử dụng lâu dài, UBND xã Phổ Thạnh đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai. Tuy nhiên, diêm dân ở đây đều nghèo, do vậy nếu không được vay vốn ưu đãi thì khó lòng xoay xở ra hàng chục triệu đồng để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên nền xi măng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ giá, thu mua muối cho diêm dân”, ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh kiến nghị.
 
Những đống muối trắng tinh, cao ngất thấm đẫm bao mồ hôi, công sức vẫn nằm chờ trong điệp khúc “được mùa, mất giá” thì hi vọng thoát nghèo của hàng ngàn diêm dân Sa Huỳnh cũng chỉ là… ao ước. Trước mặt họ, nghèo đói vẫn đang đeo bám dai dẳng.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.