Làm công tác tư vấn tuyển sinh, chúng tôi thường đối diện với những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong chuyện chọn ngành mà ở đó, ai cũng cho là mình đúng. Có học sinh mong muốn được học ngành y nhưng phụ huynh không cho vì thương con phải vất vả, nặng trách nhiệm với công việc cứu người. Chị muốn con học kinh tế. Hai mẹ con mâu thuẫn đến mức không nói chuyện được với nhau. Chị trách con sao không biết chị lo cho hạnh phúc của con sau này. Tương lai thế nào chưa biết được, đúng - sai cũng chưa tường, nhưng trước mắt chị đã khiến con không hạnh phúc vì không theo học ngành đúng nguyện vọng.
Các ngôi trường chuyên là niềm mơ ước của nhiều bậc cha mẹ. Hầu như ai cũng hãnh diện khi có con được vào trường chuyên, lớp chọn. Nếu một học sinh đủ năng lực, tố chất thì đôi khi chẳng cần phải vất vả luyện ngày, luyện đêm vẫn có thể tìm một suất vào trường điểm. Có những học sinh do được nhào luyện quá mức cũng sẽ tìm được một vị trí ở trường chuyên. Thế nhưng đôi khi những tháng ngày học tập sau đó trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh. Thay vì mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sống hồn nhiên với tháng năm học trò quý giá thì nhiều học sinh phải “chiến đấu” cật lực mong có được kết quả học tập như mong đợi của cha mẹ.
Trong buổi giao lưu với chủ đề người thầy, một học sinh giãi bày thật lòng rằng em đã cố gắng rất nhiều để các môn học từ 8 điểm trở lên nhưng khi về nhà ba hỏi tại sao không đứng nhất lớp khiến em cảm thấy chạnh lòng và rất áp lực. Một em khác lại cảm thấy
thật thoải mái khi không bị áp lực từ cha mẹ nên không phải học thêm các môn văn hóa, chấp nhận học lực khá và dành thời gian học môn vẽ, nhạc mà em yêu thích.
Mỗi học sinh đều có thế mạnh của mình, không phải chỉ người học giỏi toán, lý, hóa, ngoại ngữ, văn… mới là học sinh giỏi. Học sinh mạnh về các môn năng khiếu, kỹ năng chưa hẳn đã là người thất bại. Học giỏi các môn văn hóa chưa chắc sau này ra đời thành công.
Niềm vui khi mỗi ngày được sống trong không khí chan hòa của tình bạn, tình thầy cô, được học và làm những gì đúng với sở trường, năng lực, đó mới là điểm 10.
Vì vậy thay vì mỗi ngày buộc học sinh phải học sao cho có nhiều điểm 10 thì giáo viên cần tạo động lực, niềm tin để người học có điều kiện thể hiện được năng lực của mình. Cha mẹ thay vì hỏi con điểm số mỗi ngày tan trường thì xem con có được niềm vui gì sau một ngày học tập.
Một câu nói nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstein cần thiết với chúng ta trong trường hợp này: “Mỗi con người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời và nghĩ rằng mình thật ngu ngốc”.
Bình luận (0)