Không bàn về học thuật hay xuất xứ của thể loại bolero, bài viết này chỉ thử đặt lại câu hỏi cũ: "Vì sao loại hình âm nhạc bình dân này hình thành và tồn tại?".
>> Bolero lại sáng đèn - Kỳ 2: Dù sến hay sang
>> Bolero lại sáng đèn - Kỳ 1: Hát theo nhịp buồn
|
Khái niệm "bolero" - còn được gọi một cách phổ thông hơn là "nhạc sến" - vượt ra khỏi định nghĩa một nhịp điệu của âm nhạc. Khi đến với tâm thức và ngữ cảnh Việt Nam, nó hình thành một hình thái không ngờ: tâm lý tiểu thị dân. Cần khẳng định ngay chính cái tâm lý ấy đã tạo thành một chân dung khác rất "made in Việt Nam", trong khi trước đấy ở phương Tây, bolero vẫn chỉ là một nhịp điệu mà thôi.
|
Lịch sử hình thành những đô thị lớn ở Việt Nam luôn có dấu ấn của những di dân hay còn gọi là người nhập cư. Khởi đi từ những miền quê xa xôi, khó khăn thiếu thốn rất nhiều những điều kiện về công việc, học hành, lập thân, lập nghiệp...; khi đặt chân đến đô thị, những con người tứ xứ ấy luôn ở tâm trạng hoang mang, lo âu, liệu mình có thể sống được, liệu mình có cơ hội làm ăn giữa chốn phồn hoa không dành cho tầng lớp của mình?
Nếu là cậu học trò lên tỉnh thì ngoài cái âu lo cơm áo còn là chút mặc cảm như những con người nhập cư khác - cái mặc cảm "tỉnh lẻ"... Thế rồi những con người định cư, nhập cư theo hoàn cảnh cá nhân hay lịch sử cũng hình thành nên những "quần cư" theo địa phương, theo quê quán cũ hay đơn thuần chỉ là những xóm ngoại ô ngõ vắng, lầy lội heo hút ánh đèn vàng...
Cái tâm thức âu lo, muộn phiền, hoang mang ấy khởi đầu và trở thành đề tài cho âm nhạc bolero - bình dân khai thác và hình thành.
Nhạc sĩ người miền Tây Trúc Phương được xem là ông vua của những ca khúc thể loại tâm tình, kể lể, sướt mướt, nhiều muộn phiền. Những ca khúc đó phản ánh gần như tất cả những điều vừa kể của tầng lớp bình dân trước khi thành tiểu thị dân.
Một đặc điểm nữa của ca khúc mang âm hưởng bolero - nhạc bình dân luôn là: kể lại một câu chuyện. Không ca khúc nào của dòng nhạc này không được sáng tác để kể lại một câu chuyện nào đó. Chuyện tình Lan và Ðiệp là điển hình của một câu chuyện éo le, trái ngang bằng âm nhạc. Hàn Mặc Tử cũng là một câu chuyện bi thương khác. Căn nhà ngoại ô, Nửa đêm ngoài phố cũng là những chuyện tình hoặc buồn cho thân phận nghèo hèn, hoặc nỗi buồn phất phơ của một cuộc gặp gỡ tình cờ ngoài phố đêm bên ánh sáng kinh thành. Kiếp nghèo, Phố buồn dù được viết ở nhịp điệu tango cũng được liệt vào loại nhạc mang nỗi buồn ngụ cư, cái mặc cảm thua kém bên cạnh cái hoa lệ đô thị lớn... Kẻ quê lên thành phố, người ở quê lo ngại mất đi cái hồn hậu, thật thà thì kẻ ở phố về cũng đã mang dáng thị thành làm người quê buồn bã, trách hờn. Quê và thị thành luôn là những mâu thuẫn nội tại để trở thành đề tài thường nhật, có thật của con người.
m nhạc bình dân chính là tấm gương phản ánh tâm trạng có thật ấy. Nó là tiếng nói bằng nhịp điệu và thứ ngôn ngữ đời thường nhất. Chất hoa mỹ nếu có trong ca khúc bolero cũng không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm. Nó chỉ lên bổng xuống trầm như dân ca, như ca dao, như lời nói. Cũng nhờ lối thể hiện chân phương ấy mà bolero đã tạo nên một thư viện âm nhạc toàn cảnh chân chất và độc đáo, có đủ mọi ngõ ngách của đời sống con người.
Một điều độc đáo của thứ âm nhạc bình dân này không hẳn chỉ là dành cho những tầng lớp bình dân. Cậu học trò năm xưa khi đã đỗ đạt, đã thành tài, đã có cơ nghiệp, trở thành trí thức thì hình ảnh căn gác trọ thuở hàn vi vẫn còn nguyên vẹn đấy, vẫn in đậm trong tâm thức.
Thế nên, nếu có vô vàn tầng lớp mới giàu có hay thành trí thức nghe nhạc bolero - nhạc sến - nhạc bình dân thì cũng chẳng có gì lạ. Nó là hệ quả của lịch sử bản thân của mỗi người, mà bậc trí giả nào không có xuất xứ gia đình năm bảy đời xuất thân nông thôn?
Vậy dòng âm nhạc bolero mặc nhiên là một dòng chảy luôn song hành cùng đời sống. Thế hệ nào cũng có những nỗi băn khoăn thân phận, gia cảnh, môi trường sống, học hành... Dòng chảy ấy đôi khi là mạch ngầm, đôi khi phun trào thành suối lớn. Nó tồn tại bởi vì đề tài của nó không xa lạ với cuộc đời và những con người đang trôi qua trong dòng đời ấy.
Có lẽ thế.
Theo Tuổi Trẻ
Nhỏ dần rồi hết Với tên gọi hết sức đơn giản "Câu lạc bộ bolero Sài Gòn", câu lạc bộ định kỳ mỗi tháng một lần lại gặp nhau ở một địa điểm không phải vỉa hè. Một phòng ăn ấm cúng riêng tư và vài cây đàn.
Vì tính chất riêng tư nên thành viên hầu hết là những người quen biết nhau trong nghề báo. Khá nhiều người là bác sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu và cựu sinh viên phong trào đô thị cũ. Họ là những con người hầu hết đã trải nghiệm cuộc đời trong nhiều vị trí, nghề nghiệp khác nhau. Họ gặp gỡ để ca hát và nhớ lại những ký ức tuổi trẻ, thời sinh viên ở trọ, thời nhập cư lập nghiệp, thời lãng mạn trữ tình theo nhịp sống của một đô thị đang hình thành mở rộng thêm từ những xóm nhỏ ngoại ô Sài Gòn một thời. Câu lạc bộ đã hình thành hơn 10 năm qua. Châm ngôn của câu lạc bộ bolero khá hài hước và cũng xen vào đấy một triết lý sống "Nhỏ dần rồi hết" (phong cách kinh điển của thể loại nhạc này là ca sĩ thường hát câu kết thúc bài hát ba lần, nhỏ dần để ngưng). Cái triết lý đơn giản ấy còn mang hàm nghĩa cuộc đời ai cũng vậy, mọi thứ đều nhẹ nhàng đi, nhỏ dần đi và kết thúc giống nhau cả. Ð.T.Q.
|
Có một thế hệ sáng tác mới Có một giai đoạn các nhạc sĩ sáng tác theo dòng bolero mất niềm cảm hứng trước việc sự duy trì và phát triển thể loại nhạc này không thuận lợi. Nhưng trong khoảng 15 năm của các thập niên 1980-1990 và đầu những năm 2000, đó là vùng đất màu mỡ của những người sáng tác và trình bày theo lối nhạc quê hương. Ðỉnh cao là các bài hát như Em đi trên cỏ non, Còn thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn)... hoặc vui nhộn như Giăng câu (Tô Thanh Tùng), Cây cầu dừa (Hàn Châu). m điệu dân dã và các câu chuyện tình yêu mộc mạc là món ăn mới lạ cho khán giả và đặc biệt "hot" ở các sân khấu đại chúng. Tuy nhiên, ngay khi một loạt các cây viết lừng lẫy của dòng nhạc quê hương qua đời (Bắc Sơn, Trương Quang Tuấn...), ít có thêm những bài hát nào chinh phục khán giả. Và ngay trong bối cảnh đó, bolero đã quay lại với tất cả sức hút cố hữu của nó cùng với các cây viết của hai thế hệ. Cùng với những bậc thầy đã "đóng đinh" trong sự nghiệp của mình như Hoài Linh, Hoài An, Thanh Sơn, Viễn Chinh, Trương Hoàng Xuân... người ta thấy một thế hệ mới xuất hiện như Tiến Luân, Trịnh Gia Kiệt, Trần Vũ Anh Bình, Ngọc Sơn... với khả năng viết và đầy tìm tòi, dù sự kế thừa có thời gian đứt mạch và khó khăn. Ðặc biệt, nhạc sĩ Trịnh Gia Kiệt được coi như là người tiên phong dấn sâu vào nghiên cứu và sáng tác thể loại nhạc này. Anh còn mở một "lò" hướng dẫn trình diễn và học hát bolero mới, gần như duy nhất ở Sài Gòn. Anh cũng được coi như là người đỡ đầu cho rất nhiều giọng ca bolero triển vọng tìm đến Sài Gòn như cơ hội ca hát của đời mình. TUẤN KHANH |
Bình luận (0)