Chưa đủ

13/04/2012 03:18 GMT+7

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất (LS) huy động, xuống còn 12% hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc hạ LS là hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, hạ LS huy động thôi chưa đủ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất (LS) huy động, xuống còn 12% hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc hạ LS là hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, hạ LS huy động thôi chưa đủ.

Về nguyên tắc, hạ LS huy động thì LS cho vay cũng giảm. Đây cũng là mục đích "tối thượng" của việc giảm LS để cứu các DN. Nhưng nếu chỉ áp trần huy động mà không có trần cho vay, cộng với quy định LS thỏa thuận, hoàn toàn có thể dự báo trước tình trạng "đầu vào" có giảm nhưng đầu ra tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Nên để chắc chắn, vốn rẻ hơn sẽ đến được với DN, cần áp dụng trần cho vay và kiểm soát chặt chẽ chuyện vượt trần đầu ra. Như vậy mới đảm bảo việc giảm LS có hiệu quả.

Chúng ta đều biết, việc áp trần huy động nhưng không áp trần cho vay là nguyên nhân chủ yếu làm cho DN chết hàng loạt, nền kinh tế khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi lớn. Thật khó hiểu khi chúng ta luôn có những tính toán hết sức cụ thể và chính xác rằng, chênh lệch giữa đầu ra - đầu vào khoảng 2,5 - 3% là NH sống khỏe nhưng lại chỉ áp trần huy động. Đến thời điểm hiện tại, khi hàng vạn DN đã phá sản, hàng ngàn DN ngưng sản xuất, tình trạng đình đốn đang lan rộng và tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng rõ rệt, các giải pháp cần một sự quyết liệt và thực chất chứ không thể nửa vời. Nhất là khi chúng ta biết rõ việc lách trần, đi đêm, các chi phí lót tay, sự thỏa thuận ngầm... chắc chắn sẽ vẫn diễn ra khi người vay quá khát vốn và phía cho vay vẫn chiếm thế thượng phong. Và lợi ích cuối cùng, cũng lại thuộc về NH như đã xảy ra nhiều năm nay. Vậy tại sao không áp dụng thẳng trần cho vay và giám sát chặt chẽ việc thực hiện ở các NH để tiếp sức cho các DN khi họ đã quá đuối?

Tất nhiên, việc áp trần lãi vay không phải là "cây đũa thần" để giải quyết tất cả các khúc mắc về vốn hiện nay. Muốn hạ LS bền vững, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ. Nhưng đã sử dụng biện pháp hành chính, cũng nên chọn giải pháp hữu hiệu, công bằng và thực chất nhất. Nếu chúng ta sẵn sàng cắt giảm quyền lợi của người dân qua việc hạ trần LS huy động nhưng lại để ngỏ cánh cửa kiếm lợi nhuận cao cho hệ thống NH thì đây quả là giải pháp thiếu công bằng.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.