Trong cuộc họp công bố bản quyền truyền hình giải bóng đá Euro 2012 hôm 27.3, đại diện Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đưa ra những tuyên bố rất vô lý và ích kỷ.
Bà Đỗ Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, đơn vị giữ bản quyền truyền hình Euro 2012 tại VN - nói với báo giới: “Các báo, đài tại Việt Nam muốn sử dụng bất kỳ hình ảnh nào liên quan đến Euro 2012 thì phải có văn bản gửi đến VTV, để VTV xem xét chia sẻ... Nguyên tắc hình ảnh liên quan đến truyền thông về vòng chung kết Euro 2012 khi chưa có sự đồng ý của VTV là vi phạm. Các báo sử dụng hình ảnh, clip của các hãng nước ngoài xem là vi phạm".
Tuyên bố này đã gây nên phản ứng phẫn nộ từ báo giới, sự băn khoăn từ đối tác của các báo, đài không mua bản quyền giải bóng đá châu u và khiến công chúng hiểu sai về vấn đề bản quyền truyền hình, hình ảnh của Euro 2012.
Từ kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên Thanh Niên tại các giải đấu như Euro 2008, World Cup 2006 và 2010..., chúng tôi thấy rõ sự vô lý trong tuyên bố của VTV. Ở đây, cần phải nêu rõ rằng không phải bất kỳ hình ảnh nào liên quan tới Euro 2012 được sử dụng, lưu hành ở Việt Nam đều thuộc sở hữu của VTV. Liên đoàn Bóng đá châu u (UEFA), thông qua đơn vị phụ trách bản quyền, bán cho VTV chủ yếu là quyền tiếp sóng các trận đấu và các sự kiện chính thức để VTV phát trên lãnh thổ Việt Nam.
Hình ảnh do phóng viên các báo, đài khác chụp, quay được liên quan đến các trận đấu, các sự kiện trong Euro 2012 mà không vi phạm quy định của UEFA là tài sản của các báo, đài đó, không thuộc “phạm vi điều chỉnh” của VTV. Các tư liệu bên lề giải đấu càng không dính dáng gì tới bản quyền của UEFA, đừng nói tới VTV. Trong các trận đấu, các cuộc họp báo tại Euro, World Cup, đơn vị mua bản quyền thường được ưu tiên (chứ không phải độc quyền) về vị trí tác nghiệp. Việc ghi hình (động), chụp hình các trận đấu được ban tổ chức quy định nghiêm ngặt để bảo đảm quyền lợi cho đơn vị mua bản quyền.
Quy định chặt chẽ chứ không phải cấm. Mỗi trận đấu, hàng trăm phóng viên ảnh, phóng viên viết (không mua bản quyền) vẫn được phát vé miễn phí và được bố trí chỗ đứng, ngồi quanh sân để tác nghiệp, để đảm bảo rằng hình ảnh của giải đấu được truyền tới người hâm mộ toàn cầu.
Đỉnh điểm của sự vô lý, đại diện VTV tuyên bố: “Phóng viên các đơn vị tại Việt Nam muốn đi tác nghiệp tại VCK Euro cũng phải xin phép VTV”. Vậy là VTV đã mang cả cái cơ chế xin - cho tai quái tới áp dụng tại một giải đấu văn minh như Euro 2012. Tuyên bố của bà Hương khiến chúng tôi sửng sốt, bởi trước khi “xin phép VTV”, phóng viên Thanh Niên đã được UEFA cấp thẻ tác nghiệp chính thức tại giải đấu sắp diễn ra ở Ukraine và Ba Lan. Ở đây là đăng ký và được cấp theo một quy trình khoa học và công bằng, không phải “xin phép” theo một quy trình quan liêu.
Sau tuyên bố của VTV, chúng tôi đã tham khảo ý kiến từ UEFA và được tổ chức này giải thích rõ về quyền của các đài mua bản quyền và quyền của các báo đài khác. Giải thích của UEFA cho thấy không có chuyện “bất kỳ hình ảnh nào liên quan đến Euro 2012” đều thuộc VTV như đại diện của đài này tuyên bố.
Tôi nhớ dịp World Cup 2010, Công ty Dentsu (Nhật Bản) là đơn vị thắng bản quyền truyền hình. Trước giải đấu và trong suốt quá trình tác nghiệp tại Nam Phi, cánh phóng viên đã nhận được sự hỗ trợ chu đáo từ Dentsu. Người của công ty Nhật Bản thậm chí còn giúp một số phóng viên tham gia các sự kiện của World Cup 2010. Còn ở đây, VTV, một đơn vị Việt Nam, ngay trước thềm Euro 2012 lại đưa ra một thông điệp mang tính “hù dọa” đồng nghiệp. Vậy có phải là quá hẹp hòi?
Đỗ Hùng
Bình luận (0)