Người lính chưa biết tên

11/05/2014 02:17 GMT+7

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã kết thúc đúng 60 năm. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã chứng tỏ cho loài người biết rằng mọi dân tộc trên thế giới đang chịu ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ đều có thể vùng lên giành lại độc lập và tự do cho chính mình. Những người lính Điện Biên có quyền tự hào vì điều đó!

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã kết thúc đúng 60 năm. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã chứng tỏ cho loài người biết rằng mọi dân tộc trên thế giới đang chịu ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ đều có thể vùng lên giành lại độc lập và tự do cho chính mình. Những người lính Điện Biên có quyền tự hào vì điều đó!

Song để có thể giành được chiến thắng và mang lại tự do cho dân mình, cha ông chúng ta đã phải hy sinh hàng triệu người trong suốt 24 năm kể từ khi Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ra đời cho tới khi lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành độc lập cho dân tộc thắng lợi.

Nhìn vào Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 trên VTV1 hôm 6.5, khi có sự hiện diện của 60 cựu chiến binh từng chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, đại diện cho toàn thể những cựu chiến binh Điện Biên còn sống hôm nay, tôi không khỏi nghẹn lòng xúc động. Các cụ, các bác hiện đều ở tuổi 80 đến 90, vậy mà vẫn ráng vượt qua những chặng đường dài để tới đây thắp hương cho đồng đội của mình đã nằm xuống cách đây tròn 60 năm. Trong tổng số 4 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với cả thảy 5.972 ngôi mộ được quy tập, thì chỉ riêng Nghĩa trang Đồi Độc lập đã có 2.432 mộ, vậy mà có tới 2.000 chưa rõ tên! Đành rằng đây là điều đáng tiếc bất khả kháng, do sau ngày chiến thắng, vùng đất này bị một  trận lũ khủng khiếp quét qua, khiến bia mộ các liệt sĩ không còn nữa. Quả thật đây là một món nợ lớn của những người đang sống đối với anh linh của những người đã nằm dưới đó cũng như người thân của họ.

Không lẽ thời gian lùi xa tới 60 năm mà chúng ta vẫn chưa có một giải pháp căn cơ xác định lại danh tính cho các liệt sĩ? Tôi nghĩ, ngay cả con cháu họ, nếu còn sống thì tuổi cũng đã lục tuần trở lên. Nếu chúng ta không ưu tiên đặc biệt để xác định ADN thật nhanh những người là anh chị em ruột của họ (nếu họ chưa có con) ngay từ bây giờ thì làm sao còn kịp? Dù có thế nào thì muộn cũng còn hơn không.

Vừa qua nhà nước đã có đề án khá công phu để xác định ADN cho liệt sĩ trong thời gian tới. Đó quả là điều rất đáng mừng. Vậy nên chăng cần bắt đầu từ đối tượng nói trên?

Đất nước mình còn nghèo và còn biết bao việc phải lo. Nhưng chúng ta không được phép lãng quên việc làm cần kíp trên. Những người lính năm xưa đã một lần hy sinh anh dũng vì đất nước. Chúng ta không thể để những người lính đó không có tên trên bia mộ. Nếu không, có khác nào họ phải hy sinh một lần nữa?

Quốc Phong

>> Hai góc nhìn độc đáo về chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Hội thảo khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Trưng bày 100 bức ảnh chuyên đề chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Diễn văn của Chủ tịch nước nhân Chiến thắng Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.