Dù không đe dọa đến tính mạng song những bất thường về giới tính luôn gây ra các sang chấn tinh thần, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống, tương lai của người bệnh
Lập gia đình hơn 10 năm nhưng anh T.H.C (37 tuổi, ngụ Nghệ An) luôn mặc cảm, tự ti bởi vừa không làm tròn bổn phận của một người chồng vừa không có khả năng sinh con do anh bị nam lưỡng giới giả nên cùng lúc có cả bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ (có cả âm đạo, tử cung, vòi trứng). Giới tính 2 trong 1
Nỗi ám ảnh đã thôi thúc anh C. tìm đến Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ (BS) đã chỉnh sửa lại khiếm khuyết của tạo hóa, trả lại bề ngoài cho anh được như bao người đàn ông khác.
PGS-TS-BS Trần Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phẫu thuật nhi của BV Việt Đức, cho biết năm 1986, trường hợp lưỡng tính đầu tiên được phẫu thuật tại đây. Bệnh nhi may mắn được phát hiện kịp thời và chẩn đoán sớm nhất tại đây là một cháu bé 8 ngày tuổi. Ngay sau sinh, bụng cháu trướng rất to. BS khám và phát hiện bộ phận sinh dục không giống nam cũng không giống nữ. Sau phẫu thuật, cháu phát triển bình thường.
“Phần lớn bệnh nhân lưỡng tính tới khám sau khi đã trải qua nhiều năm sống trong mặc cảm và ám ảnh. Có trường hợp nam lưỡng tính giả khi đã gần 50 tuổi mới được phát hiện. Nhiều bệnh nhân nói với tôi rằng họ chẳng bao giờ dám đi vệ sinh cùng các bạn vì không thể đứng để làm chuyện ấy. Rồi có người trông rất nam tính nhưng lại có cả nhũ hoa. Nhiều bệnh nhân nữ không dám lập gia đình vì vùng kín tòi ra một mẫu rất giống dương vật”- TS Bích chia sẻ.
Sửa càng sớm càng tốt
Các BS BV Việt Đức cho biết lưỡng giới thường chia thành hai dạng. Người lưỡng giới thật sẽ có cả nang trứng và ống sinh tinh, nam lưỡng giới giả chỉ có tổ chức tinh hoàn, nữ lưỡng giới giả chỉ có tổ chức buồng trứng. Thế nhưng, ngoại hình và hình thái bộ phận sinh dục ngoài ở những bệnh nhân bị mơ hồ giới tính dễ làm chính bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và thầy thuốc nhầm với giới thật của bệnh nhân. Bệnh nhân cần phải được chữa trị vì thường bị những sang chấn tinh thần, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống. Ngoài những khó khăn khi quan hệ, mất thẩm mỹ và làm giảm ham muốn tình dục thì đây cũng là thủ phạm dẫn đến vô sinh, ung thư cổ tử cung, ung thư tinh hoàn… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đều được sửa lại mà phải tùy theo sự phát triển cơ quan sinh dục theo chiều hướng nào, tùy thuộc vào việc nhìn nhận của bản thân người đó về giới tính.
“Điều đầu tiên phải tính đến là khả năng sinh sản. Nếu họ có tử cung, buồng trứng bình thường thì tạo bộ phận sinh dục ngoài cho họ thành nữ với những chức năng bảo đảm sinh sản được. Nếu có tinh hoàn, có hình thù dương vật thì tạo cho họ thành nam. Trong trường hợp chức năng sinh sản không thể thực hiện được thì tạo bộ phận sinh dục gần đúng nhất với cái đang có, bảo đảm chức năng sinh lý bình thường. Bên cạnh đó là phải xem cá tính, hình thức bên ngoài của họ thiên về nam hay nữ mà tạo hình. Có trường hợp phải xét đến giới mà họ đang sống, bởi có người từ lúc sinh ra đã bị coi là nữ mà sự thật là đàn ông thì vẫn phải tạo thành nữ vì như thế sẽ không làm đảo lộn cuộc sống mấy chục năm qua của họ”- TS Bích chia sẻ.
Cần can thiệp sớm
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết sự bất thường về giới tính có thể phát hiện ngay khi đứa trẻ mới chào đời nhưng đáng tiếc, nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con mình khác lạ thì giấu kín, không dám nói với ai và thậm chí không đưa trẻ đi khám mà chờ đợi trẻ lớn lên sẽ thay đổi. Điều này tác động rất xấu đến tâm lý của trẻ sau này, nhất là khi trẻ đã nhận thức được sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là những thay đổi ở tuổi dậy thì. Với trường hợp không rõ ràng về giới tính thì cần điều trị sớm, có thể bằng các thuốc hỗ trợ hormone hoặc phẫu thuật, tốt nhất là khi trẻ được 1-2 tuổi, để khi lớn lên, trẻ có một thể chất và tinh thần bình thường, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)