M., một chàng trai 25 tuổi, đang là quản đốc một phân xưởng có khoảng 10 công nhân. Mặc dù là công nhân giỏi tay nghề và là quản đốc phân xưởng nhưng khi đi họp với ban giám đốc, anh rất ít khi phát biểu.
Khi bị bắt buộc phải phát biểu thì anh lại lúng túng, đỏ mặt, lắp bắp... làm mọi người không rõ là anh định nói gì. Anh cũng rất ít khi biểu diễn thao tác cho công nhân xem vì anh biết rằng khi đứng trước mọi người anh sẽ lúng túng và không làm gì ra hồn.
Hổ thẹn khi bị chú ý
Từ năm học lớp 10, anh M. đã cảm thấy rất lo âu khi phải tiếp xúc với người lạ hay phải xuất hiện chỗ đông người như tiệc tùng, hội họp... Mặc dù anh học rất giỏi, nắm vững bài vở nhưng khi thầy giáo kêu anh lên trình bày trước lớp là anh tự nhiên cảm thấy bối rối, đỏ bừng mặt, toát mồ hôi, tim đập nhanh, nói năng lắp bắp và quên hết những gì sắp trình bày.
Dễ bị người xung quanh hiểu lầm
Ngay cả bản thân bệnh nhân cũng biết rất rõ rằng các phản ứng ám sợ xã hội là rất quá mức và vô lý nhưng họ không thể nào kiềm chế hay kiểm soát được. Do các triệu chứng khó chịu trên nên bệnh nhân thường tránh né các hoàn cảnh giao tiếp xã hội. Điều này làm cho những người xung quanh thường hiểu lầm và nhận xét bệnh nhân có tính cách mắc cỡ, trầm lặng, cách ly, thu rút, lạnh lùng, không thân thiện... trong khi họ thật sự rất muốn giao tiếp xã hội bình thường, có nhiều bạn bè hay tham gia vào các bữa tiệc. |
Anh rất đau khổ, tự biết rằng nỗi sợ hãi của mình là quá mức và vô lý nhưng lại không thể nào kiềm chế cho nó không xuất hiện được. Anh M. không biết mình đã mắc một loại rối loạn tâm thần gọi là ám sợ xã hội.
Người bị ám sợ xã hội thường tránh né một cách quá mức và vô lý các tình huống trong đó hoạt động của bệnh nhân có thể bị người khác quan sát hay phán xét, thí dụ như nói trước đám đông. Những bệnh nhân này sợ rằng khi làm một điều gì đó dù là tầm thường trước mặt những người khác như ăn uống, viết... thì họ sẽ bị quan sát, bình phẩm và điều này làm họ cảm thấy bối rối hay hổ thẹn.
Bệnh thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên (tuổi phát bệnh trung bình là 15 tuổi) và thường kéo dài nhiều năm. Ở Mỹ có khoảng 13% dân số có khả năng mắc loại bệnh này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hiện tại, số người mắc bệnh này tại Mỹ vào khoảng 15 triệu người. Tỉ lệ nam và nữ mắc bệnh này ngang nhau.
Nguy cơ trầm cảm hoặc nghiện rượu
Bình thường, người bị ám sợ xã hội không có những biểu hiện gì rõ ràng nhưng trong những hoàn cảnh bị chú ý, bệnh nhân cảm thấy sợ hãi, lo âu, bồn chồn, căng thẳng, tim đập nhanh, đỏ mặt, toát mồ hôi, khô miệng, run... Bệnh nhân thường bộc lộ triệu chứng trong các hoàn cảnh như được giới thiệu với người khác, bị chọc ghẹo hay phê bình, là trung tâm của sự chú ý, bị quan sát khi đang làm điều gì đó, phải phát biểu trước đám đông, phải gặp những người có chức quyền hay quan trọng, khi viết, gọi điện thoại hay ăn uống nơi công cộng...
Nguyên nhân gây nên ám sợ xã hội có thể do rối loạn một số chất dẫn truyền thần kinh trong não, do di truyền hoặc do tác động của stress từ môi trường sống như cha mẹ chết, tách rời khỏi cha mẹ lúc nhỏ, bị sỉ nhục bởi anh chị, hoàn cảnh gia đình bạo lực... Ám sợ xã hội nếu không được điều trị thích hợp thường diễn tiến mãn tính.
Do bệnh gây hạn chế nghiêm trọng khả năng giao tiếp xã hội nên bệnh nhân thường gặp khó khăn trong học tập, công việc, giao tiếp cá nhân. Lâu dần, bệnh nhân có thể bị trầm cảm hay nghiện rượu do muốn sử dụng rượu để xoa dịu bớt các khó khăn và lo âu mà mình đang gặp phải.
Điều trị bằng thuốc và tâm lý liệu pháp. Bệnh nhân không nên tự sử dụng các loại thuốc này để điều trị mà nên được theo dõi bởi bác sĩ tâm thần vì một số loại thuốc nếu sử dụng không đúng cách có thể gây nghiện hay xảy ra hiện tượng lờn thuốc. Còn về tâm lý liệu pháp là điều trị nhận thức hành vi nhằm xác định các kiểu suy nghĩ sai lầm, các hành vi không thích hợp và thay thế nó bằng các kiểu suy nghĩ và hành vi phù hợp hơn thông qua một quá trình tập luyện.
Bình luận (0)