|
Ở trung tâm vui hơn nhiều
Nguyễn Đăng Bảo là học viên đầu tiên mà chúng tôi gặp. Bảo cho biết sinh năm 1999, trước khi trôi dạt vào Sài Gòn, sống ở Phan Thiết (Bình Thuận) với một cặp vợ chồng mà em gọi là cậu dì. “Con sống từ nhỏ với cậu dì. Con không biết cha mẹ ruột. Dì có lần kể lượm con ở ngoài đường, thấy tội nên mang về nuôi vì nhà dì không có con”, Bảo kể.
Theo lời Bảo kể, em nghiện chơi game từ năm học lớp 4. Năm 11 tuổi, một hôm trốn đi chơi game về muộn, Bảo sợ ăn đòn nên lang thang ngoài đường, bị lạc không biết đường về nhà. Bảo kể rằng phải đi xin ăn để sống qua ngày. Lang thang theo xe khách vào tận Sài Gòn. Những ngày đầu ở Sài Gòn, Bảo tiếp tục sống lang thang cho đến một lần đi xe buýt gặp một chị sinh viên tên là Diệu Ni, người sau đó đưa Bảo đến trung tâm ở từ năm 2010.
Những năm ở trung tâm, Bảo được học nghề và hiện khá thuần thục với nghề may. “Ở trung tâm vui hơn lang thang ngoài đường như ngày xưa nhiều, nhiều lúc con nhớ cậu dì lắm nhưng giờ không biết cậu dì ở đâu”, Bảo nói. Tôi hỏi: “Nếu tìm lại được cậu dì, về nhà thì Bảo còn nghiện game nữa không, còn trốn nhà đi nữa không?”. Bảo đáp: “Dạ không, con thấy dở rồi”.
Cũng vì lâm cảnh trôi dạt, ngoài việc được dạy nghề ở trung tâm, Bảo không có thêm được điều kiện nào khác, thậm chí một tờ giấy khai sinh vẫn chưa có.
Dẫu đã 12 tuổi nhưng Nguyễn Thiện Hữu khá nhỏ bé so với các bạn cùng trang lứa vì sống cảnh rày đây mai đó, thiếu thốn đủ bề. Cũng không rõ bố mẹ mình là ai nên “có những lúc ngồi một mình con buồn lắm”, Hữu buồn bã nói.
Lê Thị Bé, 16 tuổi, nhưng chỉ nhớ mang máng mình quê An Giang. Theo lời kể của Bé, mấy năm trước, mẹ bỏ nhà đi, rồi sau đó ba cũng bỏ nhà đi đâu không rõ nên em phải ở nhờ những người hàng xóm. Lên Sài Gòn năm nào, Bé cũng không nhớ. Lúc đầu, Bé đi giữ em cho nhà người ta để kiếm cơm ăn. Bị chủ nhà la mắng, em trốn đi lang thang qua huyện Củ Chi. Trong thời gian này, Bé phụ rửa chén cho quán ăn nhưng đến tháng nhận lương, chủ quán không cho tiền nên em tiếp tục cuộc sống lang thang. “Ở quê em không có ngày nào được đến trường nên không biết chữ. Khi vào trung tâm em mới được học. Em còn một người chị ruột nữa, giờ chị đi đâu em cũng không biết. Giờ muốn gặp lắm nhưng không biết làm sao”, Bé kể, và bày tỏ mong ước: “Em muốn sau này sẽ mở một tiệm uốn tóc, còn bây giờ em đang nỗ lực học nghề tại trung tâm”.
Sự khởi đầu mới cho cuộc đời
Trước khi chính thức tiếp nhận học viên vào nuôi dưỡng, dạy nghề, trung tâm đều dò hỏi kỹ lưỡng hoàn cảnh, báo cáo công an để nhờ phối hợp xác minh rõ nhân thân để có thể đưa về đoàn tụ gia đình. Thế nhưng, theo cô Lê Thị Thúy, Phó giám đốc thường trực trung tâm, việc xác minh phần lớn không có kết quả vì các học viên còn nhỏ tuổi lúc nhớ lúc quên về quê quán của mình.
Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, cô Lê Thị Thúy đứng ra đại diện làm giấy khai sinh cho 72 học viên lang thang cơ nhỡ. Cô mặc nhiên đã trở thành “người mẹ” của những cảnh đời trôi dạt. Do những học viên nhỏ không xác định được lai lịch và không nhớ cụ thể ngày tháng năm sinh của mình nên trung tâm cứ chọn ngày 1.1 để làm giấy cho các em. “Chọn ngày 1.1 cho dễ nhớ và cũng với hy vọng các em sẽ có một sự khởi đầu mới cho cuộc đời mình”, cô Trần Thụy Bích Hồng, nhân viên trung tâm nói thêm.
Mỗi học viên nơi đây là một câu chuyện éo le về thân phận, mỗi người mỗi cảnh dẫu tuổi đời còn rất nhỏ. Thời gian vật lộn mưu sinh ngoài đời của các em chưa nhiều nhưng cũng đã gánh chịu nhiều sóng gió. Một điểm chung là nhiều em lâm cảnh tứ cố vô thân, lang bạt nơi này sang nơi khác cho đến ngày may mắn gặp được những người tốt bụng đưa vào nương nhờ trung tâm bảo trợ xã hội. Nhiều em viết lưu bút, chia sẻ những tình cảm rất xúc động, chẳng hạn: “Trong đầu em chỉ mong có hai từ hòa đồng”, “Có những nỗi buồn không thể diễn tả bằng lời, chúng ta phải giúp đỡ nhau như anh chị em trong nhà mà sống”...
Đình Phú
>> Mang niềm vui đến làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh
>> Cần Thơ: 13 tỉ đồng giúp người già và trẻ mồ côi
>> Nhận dạy trẻ mồ côi miễn phí
>> Vĩnh Long: Hơn 1,2 tỉ đồng chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật
>> Dạy nghề cho trẻ mồ côi
Bình luận (0)