(TNO) Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi lên tiếng ca ngợi “chiến thắng của nhân dân” sau khi đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà tuyên bố bà đã lần đầu tiên giành một ghế tại quốc hội nước này trong cuộc bầu cử hôm 1.4.
Hãng AFP trích phát biểu của nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình hôm 2.4: “Việc các đảng viên NLD và người ủng hộ hân hoan vào lúc này là điều bình thường. Tuy nhiên, phải tránh hoàn toàn những phát biểu, cách xử sự và hành động có thể gây tổn hại và phiền muộn cho những đảng phái khác cùng người dân. Tôi muốn mọi đảng viên NLD phải bảo đảm rằng chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá”.
|
Nếu được xác nhận, chiến thắng này có thể đánh dấu một cuộc thay đổi vận mệnh chính trị ấn tượng của nhà hoạt động 66 tuổi, người từng bị chính quyền quân sự cũ giam lỏng phần lớn thời gian trong 22 năm qua. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố trong vòng một tuần.
Các nhà quan sát nói chính phủ dân sự trên danh nghĩa của Myanmar cần một chỗ trong quốc hội cho bà Suu Kyi nhằm củng cố tính hợp pháp của hệ thống chính trị và thúc đẩy phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt, theo AFP.
Ngay cả khi đảng NLD giành trọn 44 ghế trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 1.4, điều này cũng không thể thay đổi cán cân quyền lực trong quốc hội bị lấn át bởi quân đội và các đồng minh chính trị.
Tuy nhiên, với tư cách nghị sĩ và là thủ lĩnh đối lập tại quốc hội, bà Suu Kyi sẽ có tiếng nói trong tiến trình lập pháp và đảng của bà cũng chuẩn bị hướng đến cuộc tổng tuyển cử kế tiếp vào năm 2015.
Quá trình hoạt động của bà Aung San Suu Kyi 1989: Bị quản thúc tại gia khi chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố thiết quân luật 1990: Đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, quân đội không công nhận kết quả 1991: Đoạt giải Nobel Hòa bình 1995: Được trả tự do song bị hạn chế hoạt động 2000 - 2002: Bị quản thúc tại gia lần thứ hai Tháng 5.2003: Bị bắt giam sau vụ đụng độ giữa NLD và chính quyền quân sự Tháng 9.2003: Được trả về nhà để chữa bệnh song trên thực tế bị quản thúc tại gia Tháng 5.2007: Lệnh quản thúc tại gia được gia hạn thêm một năm Tháng 9.2007: Có lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ năm 2003 Tháng 5.2008: Lệnh quản thúc tại gia được gia hạn thêm một năm Tháng 5.2009: Bị truy tố tội vi phạm quy định về quản thúc sau khi một người Mỹ bơi đến ngôi nhà của bà. Tháng 8.2009: Bị tuyên phạt thêm 18 tháng quản thúc Tháng 11.2010: Được trả tự do Tháng 4.2012: Đắc cử nghị sĩ quốc hội trong cuộc bầu cử bổ sung (Theo BBC) |
Sơn Duân
>> Bà Suu Kyi đắc cử
>> Phương Tây muốn bỏ cấm vận Myanmar
>> Myanmar tiến hành cuộc bầu cử lịch sử
>> Myanmar mở cửa ngành dầu khí
>> Ông Ban Ki-moon sắp thăm Myanmar
Bình luận (0)