Một thời tuổi trẻ biết xung phong - Bài 1: Xung phong

24/03/2012 09:07 GMT+7

Ngày 28-3-1976, tại TPHCM, một tổ chức thanh niên tình nguyện chính thức ra đời: Lực lượng TNXP TPHCM.

Ngày 28-3-1976, tại TPHCM, một tổ chức thanh niên tình nguyện chính thức ra đời: Lực lượng TNXP TPHCM.

Thay vì chọn cho mình con đường bằng phẳng để sải bước, thay vì chọn giảng đường đại học, nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ lớn lên từ môi trường chế độ cũ đã đăng ký nhập học vào trường học lớn TNXP. Trên những “giảng đường” là rừng sâu, đồng hoang, bài học của ngôi trường đặc biệt này cũng vô cùng đặc biệt.

Bài học đầu tiên

Khi Sài Gòn được giải phóng, đang là sinh viên năm 2 Khoa Hóa hữu cơ Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, anh Phan Quang Hùng bỏ ngang để đi… TNXP. Làm TNXP đâu chừng được 2 tháng, anh quảy ba lô về. Nhớ lại chuyện ngày xưa, anh cười: “Thời đó, đã đi TNXP rồi mà bỏ là xấu hổ lắm. Thiệt tình, trong bụng, tôi tự tìm lý do bào chữa cho mình: Có đi học, có kiến thức thì sau này mới đóng góp cho đất nước được chớ!”. Vậy mà mới về được 10 ngày, anh lại đeo ba lô quay ngược lên đơn vị.

Anh kể tiếp: “Về đi học, thấy anh em, bạn bè đi TNXP rất đông. Mình đi học cho yên thân, trong khi bạn bè mình lên rừng, coi gì được? Khi trở về, bước chân qua cổng đơn vị coi như đã vượt qua chính mình”.

Sáng: 1 dĩa cơm nhỏ, nước mắm “toàn quốc” (nước lã pha chút màu, thêm chút mỡ hành).

Trưa: 1 dĩa cơm, mìn chống tăng (bí đỏ nấu canh), dây kẽm gai (rau muống xào).

Tối: 1 dĩa cơm, canh “toàn quốc” (chỉ có mấy lát thịt mỡ mỏng dính)…

Chỉ có vậy mà bao chàng trai, cô gái trên các nông trường, lâm trường vững tay cuốc lao động hăng say vì tương lai của TPHCM.

Vốn là cán bộ Đoàn, anh Dương Kim Kết được chọn là Liên đội trưởng Liên đội Dũng Cảm đóng quân ở huyện Chơn Thành, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Liên đội gồm 10 đại đội, quân số khoảng 900 người.

“Nhiệm vụ trước mắt là khai hoang và xây nhà cho người dân vùng kinh tế mới. Nhiệm vụ nghe thì to mà lúc đó anh em chỉ có sức người và sự nhiệt tình. Mà thành phần “sức người” ở đây cũng vô cùng đa dạng: học sinh - sinh viên trói gà chưa chặt, anh em binh lính chế độ cũ, một số lao động phổ thông nghèo không có trình độ, tay nghề. Một ngày làm việc của toàn liên đội bắt đầu từ 6 giờ sáng: sau khi tập thể dục, ăn sáng là đi bộ ra hiện trường. Công việc của đội viên TNXP là đốn cây rừng làm cột nhà, đòn tay, đốn lồ ồ, cắt tranh lợp vách làm nhà cho người dân đi kinh tế mới” - anh Dương Kim Kết nhớ lại.

Cùng với hàng trăm đồng đội của mình, những ngày đầu nơi Nông trường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) vẫn như tươi mới trong anh Nguyễn Ngọc Tuấn. Anh nhớ lại: “Hàng ngày 5 giờ sáng, tụi tôi thức dậy, tập thể dục, ăn sáng rồi vác cuốc xẻng ra nông trường. Những mảnh đất khô cằn hiện ra như thách thức. Những chiếc cuốc mẻ, những chiếc xẻng rớt cán, đôi bàn tay rớm máu, dần chai sần không thể thắng được quyết tâm của người trẻ”.

Người mới, đất mới

Đầu những năm 1980, mầm đổi mới đã xuất hiện ở nhiều nơi. Hoàn cảnh mới buộc Lực lượng TNXP TPHCM đứng trước sự lựa chọn: Tồn tại hay không tồn tại? Làm Giám đốc Nông trường Nhị Xuân, Hóc Môn giai đoạn này, anh Dương Kim Kết kể: “Ban đầu, ý của chú Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TPHCM lúc bấy giờ) muốn xây dựng nơi đây thành một làng TNXP, nhưng sau đó, TP quyết định chuyển hướng, giao nông trường trồng mía để chế biến đường”.

Đáng tiếc, nguồn vốn mà Sở Tài chính - Vật giá cấp để đầu tư cho 1ha trồng mía chỉ bằng 1/10 mức đầu tư của nông dân quanh vùng. Cụ thể là trong khi nông dân bỏ ra 1 cây vàng để đầu tư cho 1ha mía thì TNXP chỉ có 1 chỉ vàng để trồng 1ha mía. Vốn quá ít nên mía trồng èo uột, chữ đường thấp. Mía nông dân được 100 tấn/ha còn mía TNXP chỉ 25 tấn/ha. Mía nông dân to bằng cườm tay người lớn thì mía TNXP chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái.

 
Thanh niên xung phong thi công công trình kênh tưới Ba Gia

Một bữa, đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Linh báo với anh Kết:

- Sao mình không làm như nông dân hả anh? Đầu tư thấp vậy, mía sao tốt nổi?

- Làm cũng được, nhưng phải có vốn…

- Anh cho làm, tui về Sài Gòn vay tiền…

Rồi anh Linh về Sài Gòn vay vàng, qua xã lân cận thuê nông dân qua nông trường lên liếp theo đúng kỹ thuật rồi bón phân hữu cơ cải tạo đất. Kết quả vụ mùa đó, lần đầu tiên, mía TNXP có thể sánh vai với những cánh đồng mía bạn, sản lượng đạt trên 100 tấn/ha. Thế nhưng năm đó, ngay khi thu hoạch cũng là thời điểm đường nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt đổ về. Sau khi hạch toán, dù sản lượng đạt cao nhưng giá thấp nên vẫn lỗ. Anh Linh phải vay tiền trả nợ.

“Sau vụ mía đáng nhớ đó, chúng tôi có trao đổi thông tin với anh em kỹ sư nông nghiệp rồi nhận được lời khuyên là đất này chỉ thích hợp trồng cây lâu năm như bạch đàn với chi phí đầu tư thấp. Tôi tìm đến Ủy ban Kế hoạch - Đầu tư TP xin giảm diện tích trồng mía, tăng diện tích trồng bạch đàn và được chấp thuận. Đến năm 1991, khi tôi chuyển công tác sang đơn vị khác, nông trường thu hoạch bạch đàn, bán được 800 triệu đồng (khi đó vàng chỉ chừng 2 triệu đồng/lượng)” - anh Kết kể.

Tiếp sau Nông trường Nhị Xuân, Nông trường Đỗ Hòa (huyện Cần Giờ) được thành lập trên một vùng sình lầy ngập mặn - lãnh địa của “vương quốc chà là”. Trên một vùng mênh mông hơn 2.100ha là những bụi chà là đầy gai nhọn đâm rách quần áo, xuyên thủng da người.

Bà Võ Thị Bạch Tuyết, nguyên giám đốc nông trường, kể: “Cực nhất là giai đoạn đầu khi mới tiếp quản vùng đất này. Các anh chị kéo 1.500 con người về vùng đất hoang hóa sình lầy, rồi đốn cây, đánh tranh làm nhà, chặt lồ ồ đập giập ra lót giường, đốn cây, dọn đất phát hoang. Nước ngọt phải chở bằng sà lan vô từng chuyến. Đến giai đoạn tôi về phụ trách nông trường thì đã cơ bản ổn định nơi ăn ở. Chúng tôi trồng thử nghiệm cây dừa với mong muốn tạo một nông trường dừa. Ý tưởng lãng mạn nhưng thực tế không như ý bởi khu vực này đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn quá nhiều. Trồng được 3 năm, cây lớn bị con kiến dương phá. Sau 5 năm, cây dừa cũng cho trái nhưng trái không đạt chất lượng. Vậy là phải chuyển hướng sang trồng dừa nước và bạch đàn”.

Đó cũng là lần đầu tiên, TNXP thực hiện mô hình khoán hoàn chỉnh cả mô hình sản xuất. Kết quả là đến năm 1985, nông trường đã trồng được 1.000 ha cây trồng các loại, trong đó có 273ha dừa công nghiệp, 262ha đước, 162ha bạch đàn, 103ha dừa nước và trên 600.000ha cây phòng hộ.

Đám cưới không nhẫn

Anh Dương Kim Kết kể: “Trong những ngày đầu còn ít nhiều non nớt và ấu trĩ, anh em bên Đoàn ra quy định: Nam nữ có ý định tìm hiểu nhau thì phải đăng ký, báo cáo với tổ chức. Buổi tối, nam nữ có nhu cầu trò chuyện phải tập trung tại hội trường, ngồi thành 2 hàng ghế: một bên là nam một bên là nữ rồi mới được… tâm sự”.

Thời gian sau, những quy định kiểu như vậy không còn. Ngay tại Nông trường Đỗ Hòa, vào năm 1984 đã tổ chức đám cưới tập thể cho 3 cặp vợ chồng là TNXP. Điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nông trường chỉ có thể tạo điều kiện cho tân lang may thêm bộ đồng phục TNXP mới. Tân nương được anh em góp tiền mua tặng khúc vải trắng may áo dài.

Bà Võ Thị Bạch Tuyết nhớ lại: “Đám cưới tôi hồi đó không có nhẫn. Mãi đến sau này, anh em cựu TNXP mới làm lễ hấp hôn cho vợ chồng tôi, tặng cho cặp nhẫn. Ở Nông trường Đỗ Hòa, đất xấu nhưng với sức người, tình người, cây cũng nở hoa và tình yêu cũng đơm bông kết trái”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.