Nguy cơ sân khấu hóa di sản

08/03/2012 03:46 GMT+7

Sân khấu hóa phá hỏng di sản là cảnh báo của UNESCO tại hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa hôm 6.3.

Sân khấu hóa phá hỏng di sản là cảnh báo của UNESCO tại hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa hôm 6.3.

Lệch lạc giá trị văn hóa

“Hội Lim vốn để thờ cô đào Lim - một nghệ nhân hát quan họ tuyệt vời. Cứ đến mùa xuân, người ta làm kiệu rước, tổ chức hội làng và mời các nhóm quan họ bạn thân thiết, hát đối đáp giỏi về làng hát”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết. “Những đôi trai gái không thuộc nhóm được mời lại lên hội Lim chọn người hát. Cứ thế, quá trình lịch sử ấy sinh ra chuyện trai gái hát tự do các nhóm với nhau. Hát dưới gốc cây, đi tìm hợp nhau và đôi bên hát để thỏa mãn cá nhân của mình. Cùng hát đối đáp với nhau dưới gốc cây trên đồi Lim mới thành hội Lim. Chứ không phải cùng hát một bài để lập kỷ lục. Như thế, không ra chất quan họ”.

 
Trích đoạn Thị Mầu lên chùa - một màn chèo quý đã bị sân khấu hóa phần nào - Ảnh: Q.H

“Cồng chiêng cũng là một ví dụ khác về sân khấu hóa”, ông Loan nói tiếp. “Chẳng hạn, ở Hòa Bình vừa rồi người ta đánh một lúc gần 200 cái cồng. Mỗi chiếc cồng chiêng đánh ra một âm sắc. Mỗi người, mỗi tộc người có cách đánh riêng. Thành thử, khi lôi dăm ba trăm cồng chiêng vào chơi một lúc thì chỉ còn tiếng cồng âm ỉ trên nền nhạc rock. Như thế là gây tổn hại cho nghệ thuật cồng chiêng”.

GS Tô Ngọc Thanh từng bức xúc vì chuyện một điệu múa dân tộc được đưa lên sân khấu hàng chục năm trước. Điệu múa đẹp vô cùng, nhưng khi diễn viên biểu diễn với trang phục màu vàng bắt mắt thì cộng đồng dân tộc đó lặng đi. Bởi theo văn hóa của họ, màu vàng chỉ sử dụng trong tang lễ.

 

Phải cảnh báo

“Tôi nghĩ, chuyện các quan chức ở UNESCO hay nhiều nhà nghiên cứu nhắc nhở về kỷ lục quan họ, về chèo hóa hát xoan, báo động xu hướng sân khấu hóa là đúng. Phải cảnh báo những gì đi lệch lạc là rất cần thiết. Việc sân khấu hóa thành kỷ lục Quan họ đã không phải là hình thức phát huy đúng giá trị di sản, tôn vinh không đi đúng bản chất của vấn đề bảo tồn” .

PGS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia)

Một kiểu sân khấu hóa di sản khác là biểu diễn lại các hoạt động nhưng không đúng thời gian thiêng, không gian thiêng của nó. Trước và cả sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, hội Gióng đã được phục dựng nhiều đoạn kịch tính nhất, linh thiêng nhất để đem diễn nhiều lần. Tất nhiên, với những lần diễn không đúng dịp hội làng đó, người dân được trả tiền. Đó là hiện tượng hoàn toàn mới trong khoảng mươi năm trở lại.

Theo các nhà khoa học, sân khấu hóa, trả tiền mời người dân diễn hội phục vụ cho các sự kiện khác đã tạo ra tâm lý làm thuê, thụ động, trái ngược với sự tự nguyện, chủ động vốn có trong thực hành lễ hội truyền thống.

Lạm dụng làm du lịch

Tương tự, việc sân khấu hóa của các CLB cồng chiêng để phục vụ du lịch đã làm giảm nhiều giá trị nghệ thuật và tâm linh của di sản. Theo ý kiến của nhiều nghệ nhân, trong môi trường truyền dạy truyền thống, người thầy thường là những nghệ nhân giỏi nhất ở làng. Trong khi đó, tại các CLB du lịch như trên, thầy giáo chỉ là các bạn diễn có chút hiểu biết. Tương tự, nếu khán giả tại môi trường truyền thống rất hiểu biết cồng chiêng, thì tại các CLB này người diễn hay dở thế nào khách thưởng thức cũng không biết.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu điền dã, ngày nay quanh lửa trại của các CLB giao lưu cồng chiêng, có sự pha trộn giữa giai điệu, bài bản cồng chiêng với nhạc cụ hiện đại: guitar, organ với dàn âm thanh điện tử cùng các điệu nhảy để mua vui, phục vụ khách du lịch.

Cũng chính vì thế, theo PGS Nguyễn Văn Huy: “Cần cảnh giác với việc sân khấu hóa vì nó khiến người dân không còn cảm thấy đó là di sản văn hóa của chính mình. Nó khiến cộng đồng nhiều khi dửng dưng, xa lạ hoặc tham gia thụ động trong việc thực hành và bảo tồn di sản. Mà theo các công ước của UNESCO, việc bảo tồn cần hướng tới chính là giữ cho di sản sống trong lòng cộng đồng”.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.