Con số bất thường

26/04/2012 03:12 GMT+7

“Có tới 80% số người tiêu dùng tại Hà Nội được khảo sát cho biết: chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

“Có tới 80% số người tiêu dùng tại Hà Nội được khảo sát cho biết: chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Con số ấn tượng và bất thường này được ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội công bố tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thủ đô. Theo ông Đăng, chính sự chấp nhận của người tiêu dùng đã “tiếp sức” cho những kẻ sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật. “Khó khăn lớn nhất trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn chính là ý thức của người tiêu dùng”, ông Đăng khẳng định.

Người viết tạm gọi kết quả khảo sát nêu trên là “con số bất thường” bởi vì dường như nó trái ngược với suy nghĩ thông thường của đại đa số người dân. Lâu nay, người tiêu dùng vẫn liên tục lên tiếng ca thán trước vấn nạn “thịt bẩn”, sử dụng chất cấm, thiếu rau an toàn… và bày tỏ sự lo lắng cho sự an toàn của mỗi bữa cơm của cả gia đình mình. Phản hồi các bài viết  về nuôi heo siêu nạc, Kinh hoàng lò mổ Hà Nội..., đông đảo bạn đọc Báo Thanh Niên đã gọi những hành vi sử dụng chất cấm nhóm beta-agonist có thể gây ung thư, giết mổ heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tội ác, hoang mang không biết sẽ phải mua gì mỗi khi ra chợ, đồng thời cho biết sẵn sàng tẩy chay “thực phẩm bẩn”. Mới đây thôi, ngay tại Bình Dương, các khách mời đã thể hiện “quyền” của người tiêu dùng bằng cách từ chối dùng tiệc cưới được chế biến từ thịt thối cho dù lỗi không thuộc về cô dâu, chú rể.

Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Đăng để được thông tin rõ hơn về kết quả khảo sát nêu trên như: quy mô và mức độ tin cậy của khảo sát, đặc biệt là người tiêu dùng chấp nhận sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vì không còn lựa chọn nào khác hay là chấp nhận vì sự tiện lợi mà bất chấp những tác hại không nhỏ của thực phẩm bẩn đến sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình... nhưng bất thành.

Chỉ nói riêng trên địa bàn Hà Nội, nơi ông Đăng tham gia quản lý, hiện có tới 3.700 hộ giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp trên 47% lượng thịt trâu bò, 37% lượng thịt heo và 57% lượng thịt gia cầm cho toàn thành phố nhưng lực lượng thú y gần như không kiểm soát được. 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công cũng đều chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ theo quy định: giết mổ trên sàn, không có móc treo, vận chuyển bằng xe máy, không bao gói… Trong khi đó, cả thành phố hiện mới có trên 3.255 ha rau an toàn, sản lượng trên 230.000 tấn/năm, đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân. Vậy nên có thể hiểu, người tiêu dùng có muốn chọn thực phẩm sạch cũng đã là khó khăn.

Cũng có một thực tế không thể chối cãi là một bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen “đâu tiện thì mua”, là khách “ruột” của những sạp thịt, sạp rau bày bán la liệt tại các chợ cóc, chợ tạm ven đường hoặc đâu đó ở các ngõ ngách của thành phố. Nhưng nói rằng, lỗi chính thuộc về người tiêu dùng như phát biểu của ông Đăng, e không ổn chút nào. Lực lượng hữu trách, ăn lương nhà nước để thực hiện việc “gác cổng” cho bữa cơm của mỗi gia đình nếu không bán khống giấy kiểm dịch, không giao dấu thú y cho thợ mổ heo đóng dấu… thì liệu “thực phẩm bẩn” có còn đất để sống không? 

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.