Len lách theo những con đường núi hiểm trở, băng qua những dãy rừng lạnh của Cấm Sơn huyền bí, dãy núi lớn nhất trong quần thể Thất Sơn, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những ngôi nhà đơn độc bên lưng núi, với những người sống tự tại. Dân núi Cấm từ nhiều thế hệ nay vẫn luôn giữ nhịp sống chậm; dựa vào đất đai, rừng núi và có niềm tin vào các thế lực siêu nhiên.
Kết bạn với gà rừng
Vất vả lên đến ngôi nhà cheo leo trên con dốc đứng, nơi có “dàn hợp xướng” tiếng gà gáy, chúng tôi gặp đôi vợ chồng ông lão “tài tử” đang quây quần bên ấm trà với những người từ xa tới. Bà cụ ăn mặc “sang rất rừng”, niềm nở bên ông chồng có bộ râu xoăn nghệ sĩ, đàm đạo với khách hành hương hiếu kỳ.
Núi Cấm là đất của giai thoại về những kỳ nhân, dị thú. Khi đến vồ Chư Thần (địa danh mang tính tâm linh trên núi Cấm), người ta có cảm giác đến gần hơn với những điều huyền hoặc chốn núi rừng u tịch. Ông Năm Râu (Võ Văn Ô, ấp Vồ Bà, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang), người trông coi vồ Chư Thần, có cách “hóa giải” những hiếu kỳ của người mới đến theo kiểu rất riêng. Như khi ai hỏi chuyện những đạo sĩ cưỡi mây, về đôi mãng xà khổng lồ rút sâu vào rừng… thì ông cứ trả lời “lâu lắm rồi, tui không thấy nữa”. Và câu chuyện thế nào rồi cũng đưa đến chủ đề đám vật nuôi quanh nhà ông, về một giống gà khiến nhiều cao thủ chơi gà ở miệt xuôi phải cất công tìm lên tận nơi.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân núi Cấm làm quen với “nghề” thuần hóa gà rừng. Giống gà có màu lông như lửa, bay như chim, nhút nhát nhưng lại rất “lỳ đòn”, trở thành thứ sản vật hiếm có. Thế nhưng, không phải ai cũng nuôi thành công. Có người vào rừng may mắn hốt nguyên ổ gà về, nhưng thuần dưỡng mấy năm thì gà rừng vẫn cứ là gà rừng. Không ít người đã nếm phải thất bại khi bẫy gà rừng về nhốt chung với gà mái nhà. Đôi khi “bản chất rừng xanh” nổi dậy, chúng “tuyệt thực”. Có con đâm đầu ra ngoài hàng rào đến trầy da, chảy máu. “Làm như thế không hay chút nào”, ông lão vuốt râu, ôm con gà có bộ lông đỏ rực vào người. Đến giờ, câu chuyện “biến gà rừng thành gà nhà” của ông vẫn là chuyện ít người làm được. Khi được hỏi, ông lão sang sảng: “Có gì đâu, gà tôi sáng dẫn cả bầy vào rừng kiếm ăn, tối về ngủ… đâu ai động đậy gì tới nó mà phải lo”.
|
Quá trình “kết bạn” với lũ gà rừng của ông lão trên vồ Chư Thần quả không đơn giản. Theo ông thì phải từ từ “mua chuộc” nó, cho nó biết mình không có ý bẫy bắt hay làm hại, dần dần thì nó quen. “Làm quen” ở rừng vậy mà dễ hơn bắt chúng về nhà. “Cũng như con người vậy thôi, anh bắt cóc người ta rồi lại nói tình cảm thì ai dám tin anh”, ông giải thích.
“Mỹ kê kế”
Ông Năm kể, trước ở vồ Chư Thần, gà rừng về nhiều. Một phần vì ông “đối xử” với chúng giống như gà nhà. Tạo bãi cho chúng về ăn, ngủ, lót ổ cho đẻ trứng. Nói thì dễ, nhưng để chúng “tin” được là cả một quá trình. Người khác tìm được trứng gà rừng mang về ấp, hay bắt gà rừng trống mang về nhốt chung với gà nhà cho chúng lai tạo rồi đem bán, theo ông đó là một sai lầm. Vì đối xử thô bạo như thế vừa không hiệu quả, lại phạm luật. Gà rừng dù cho ấp ở nhà nhưng khi nở ra được gà nhà chăn dắt, khi lớn lên đủ lông đủ cánh thì chúng cũng bay về rừng.
Kinh nghiệm của ông là phải dùng “mỹ kê kế”. Theo đó, trong bầy gà rừng chỉ “chấm” được một, hai con trống mã đẹp, dáng tốt, rồi dụ chúng lai với gà nhà, cũng là các loại gà trứ danh được tuyển từ những vùng nổi tiếng như Tân Châu, Chợ Lách, Cao Lãnh, Bà Điểm… Gà rừng lai với gà tre cho ra giống gà kiểng dáng rất đẹp. Còn lai gà chọi thì dùng gà mái Phi, mái Mỹ để nhử cho nó chịu mái. Bởi sẵn “chất rừng” nên chúng hung hãn và nhanh như cắt, khôn đòn và có lực rất tốt. Ông Năm kể: “Có lần chứng kiến giữa con gà nhà hàng xóm và gà rừng lai nhà tôi so cựa do tranh mái. Chỉ trong phút chốc, con gà rừng nhào vô, “sạ” tới tấp làm cho con gà nhà trúng ngay eo, chạy tuốt".
|
Với danh tiếng giống “hùng kê núi Cấm”, nhiều đại gia ở tận Sài Gòn cũng tìm tới nài nỉ ông Năm Râu đỗ cho con gà tốt để về khoe đẳng cấp. Thậm chí có người vì mê gà, đã dò la cả tháng mới tìm đến gặp được ông, do các bạn chơi gà giấu nhẹm tung tích, xuất xứ của giống gà hiếm này. Mỗi khi có lứa gà nào vừa ra, thì y như rằng nhà ông Năm Râu lại có khách xa tìm đến. Nhiều người đặt hàng với giá cao, nhưng ông Năm cũng khéo lắc đầu. Không phải vì ông “làm cao”, mà với ông điều quan trọng hơn là không thể để phát triển giống gà này thành một “lò gà công nghiệp”.
Cũng không phải là để phục vụ cho các tay cờ bạc mang giống gà quý của mình đi tỉ thí. Có lần, một người quen đến, mang con gà của ông vượt biên sang Campuchia đá thắng 16 trận. Khi mang về, ông hủy luôn con gà, bầy gà để… tỏ thái độ. Đến nay, ông Năm Râu vẫn kén khách mua gà, không phát triển đàn gà của mình cũng như không truyền cho ai bí quyết “làm bạn” với gà rừng. Ông lo rằng nếu có bí quyết đó, khi làm thành công người ta sẽ đổ xô đi tìm gà trống để lai tạo, đe dọa đến lũ gà rừng.
Vì nhiều lý do như thế, giống “hùng kê núi Cấm” đến nay vẫn là giống gà hiếm, nổi danh khắp nơi nhưng ít người có được.
Ông Năm Râu cho biết thêm, nếu muốn gà rừng được thuần dưỡng giống như gà nhà phải lai ít nhất 2 dòng đời. Tức là, khi đem trứng gà về ấp, gà lớn lên phải lai tiếp với gà nhà. Tiếp tục cho lai giữa con lai F1 với gà nhà ra con lai F2 thì mới nuôi như gà nhà được. |
Tiến Trình
Bình luận (0)