Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lệ Thủy - Đào chánh ngoại lệ

28/05/2012 09:34 GMT+7

Trong số các nữ nghệ sĩ thành danh bước ra từ HCV Giải Thanh Tâm, NSND Lệ Thủy cho đến nay vẫn là một cô đào chánh ngoại lệ. Tôi nhấn mạnh hai chữ ngoại lệ, bởi có ai ở tuổi 65 vẫn là một đào chánh trung tâm?

Những nam nghệ sĩ (NS) trẻ thành danh từ năm 1956 đến 1968 gồm: Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Hiền, Thanh Hải, Út Nhị, Minh Tấn, Thanh Tú, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Dũng Thanh Lâm… Nữ NS tài danh thì có: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Hồng Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Bích Sơn, Ngọc Bích, Bích Hạnh, Thanh Kim Huệ, Hà Mỹ Xuân, Trương Ánh Loan, Kiều Phượng Loan... Họ đều đã từng thu dĩa bài ca cổ của tôi.

Phó thác Chàng là ai?

Trong số các nữ NS thành danh bước ra từ HCV Giải Thanh Tâm, NSND Lệ Thủy cho đến nay vẫn là một cô đào chánh ngoại lệ. Tôi nhấn mạnh hai chữ ngoại lệ, bởi có ai ở tuổi 65 vẫn là một đào chánh trung tâm? Tuồng nào bây giờ mời Lệ Thủy thì soạn giả, đạo diễn dẫu có viết vai đào mụ cũng phải cân nhắc tính trung tâm của nhân vật. Nếu làm sai, khán giả sẽ phản đối ngay.

Gặp tôi lần đầu cách đây 50 năm, NSND Lệ Thủy chỉ là một cô bé nhỏ xíu, tóc để ngang vai, tay mân mê chiếc nón tai bèo. Cô từ rạp Biên Hùng bước ra lễ phép chào khi tôi đi công chuyện, ghé thăm gánh hát Trâm Vàng, nơi có anh Mười làm bầu là bạn chí cốt. Anh Mười khoe: “Anh Bảy ơi, con nhỏ ca hay lắm, giọng lạ”. Tôi liền kêu Lệ Thủy ca thử. Lỗ tai và đôi mắt chuyên “khai quang điểm nhãn” đối với đào kép hát của tôi đã mách bảo cô này sẽ là một ngôi sao sáng ở tương lai.

Tôi đã viết bài Cô hàng chè tươi để lăng xê Lệ Thủy. Chất giọng thổ pha kim của cô đã tạo được nét độc đáo riêng, phảng phất làn hơi của NS Thanh Hương nhưng trẻ trung hơn, duyên dáng hơn. Sau đó, Lệ Thủy được mời về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long.

Từ năm 1960, tôi muốn tạo một nét mới lạ cho thị trường dĩa ca cổ đã bắt đầu thoái trào vì sự đơn điệu và trùng lắp đề tài khi các hãng ra sức cạnh tranh nhưng vẫn loay hoay với cách khai thác cũ. Do biết tân nhạc, lại lân la chơi với nhiều nhạc sĩ thời đó, tôi đã thử viết kiểu mới: Lấy phần nhạc ghép với bài ca vọng cổ. Trên thực tế, khi viết bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà cho Minh Cảnh ca, đó là buổi sơ khai của tân cổ giao duyên rồi, vì phần nhạc do tôi sáng tác và viết cả ký âm. Tuy nhiên, nếu cứ viết phần nhạc thì làm sao có ý tưởng hay, chưa kể sẽ cạn nguồn khi giai điệu ngũ cung trùng lắp?

Giải mã sự hạn chế đó, tôi nghĩ tới các bản nhạc đang thịnh hành trên thị trường. Và tôi đã xin phép nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, lấy bài Chàng là ai đang nổi của anh để hình thành bản tân cổ giao duyên, dù trước đó không lâu tôi đã viết bài Cô hàng chè tươi nhưng không phổ biến. Lệ Thủy là người tôi chọn thu bài này.

Tôi nhớ khi ấy, Lệ Thủy cầm bài ca rồi gãi đầu: “Được không bác Bảy? Con thấy kỳ kỳ, không chừng người ta chê vì con có biết ca tân nhạc đâu?”. Tôi quả quyết: “Mày nghe lời tao ca đi. Ca bài này, mày sẽ nổi tiếng”. Quả thật, sau khi dĩa phát hành, tên tuổi Lệ Thủy đã được khẳng định.

Làm sống lại Tình mẫu tử

Lệ Thủy có tính nhân hậu, chân thành, sống cởi mở với mọi người nên anh em đồng nghiệp đều thương mến. Sự thẳng tính của Lệ Thủy anh em đều nể. Sau ngày đất nước thống nhất, một số cán bộ ngành văn hóa thời đó ấu trĩ, buộc NS của Công ty Kim Chung phải lên án bầu Long bóc lột sức lao động của anh em, bắt đi diễn ở tỉnh, hát mỗi ngày mấy suất mà đồng lương không cao. Lệ Thủy lên tiếng phản đối ngay. Thực tế, làm gì có sự bóc lột vì công chúng yêu mến, gánh hát tăng suất là bình thường, còn đi lưu diễn cũng là chuyện đương nhiên của một đoàn hát.

Năm 2005, tôi nhớ mãi kỷ niệm khi vở Tình mẫu tử của mình được sống lại sau gần 40 năm im lìm. Đó là lúc NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương xắn tay áo thành lập chương trình Những dấu ấn không phai, dựng lại vở này và đạt doanh thu 500 triệu đồng. Tiếp đó, một loạt vở nữa cuốn hút khán giả đến rạp: Một ngày làm vua (Viễn Châu). Thần tượng nửa đêm (Thu An), Nửa đời hương phấn (Hà Triều, Hoa Phượng)… Sau này, NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương còn tổ chức Sân khấu Vàng, một lần nữa đạt doanh thu để trao tặng nhà tình thương cho người nghèo.

Thỉnh thoảng, đi diễn xa về, NSND Lệ Thủy lại ghé thăm tôi. Hai bác cháu kể chuyện hồi xưa. Cô xúc động: “Tụi con bây giờ đi hát tính ngày, tính tháng chứ không dám tính năm... Thấy bác khỏe, còn sáng tác là con mừng”. Rồi Lệ Thủy bật khóc.

Sáng tạo với tân cổ giao duyên

Báo chí thời đó có vài bài phản bác thể loại tân cổ giao duyên, nói tôi chủ trương phá hư bài vọng cổ. Tôi không tranh luận vì dành thời gian đó để viết bài ca cung cấp cho các hãng dĩa. Các nhạc sĩ bấy giờ như: Lam Phương, Trúc Phương, Nguyễn Văn Đông, Hoài Linh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Châu Kỳ… đều ủng hộ tôi. Theo họ, sự phát triển thêm bài ca cổ gắn kết với phần nhạc đã là một sự sáng tạo nối dài thêm ý nghĩa của ca khúc.

Có điều, khi trào lưu này nở rộ, một số soạn giả viết nội dung không mang tính logic với câu chuyện của ca khúc, gây nên sự phản ứng của vài nhạc sĩ. Chẳng hạn, chuyện anh Châu Kỳ yêu cô tiểu thư nhà giàu nhưng vì môn đăng hộ đối, người ta không thể gả con gái cho một nhạc sĩ lang thang mà anh đã trút tâm sự vào bản Giọt lệ đài trang, thì có soạn giả lại gắn câu chuyện của bài ca này vào đôi tình nhân của triều đình Nhật Bản. Thử hỏi sao nhạc sĩ Châu Kỳ không tức giận đòi kiện hãng dĩa?!

Theo Người Lao Động

>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Mối tình Út Bạch Lan - Thành Được
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lăng xê Thanh Nga
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kho báu đầu đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.