|
Quốc hội còn khá xa lạ với thế hệ trẻ
Mở đầu hội nghị, Văn phòng Quốc hội đã dành khá nhiều thời gian để giới thiệu cho sinh viên về các hoạt động của Quốc hội. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phổ biến cho sinh viên biết cách làm thế nào để tác động được vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, trong đó ông nhấn mạnh vai trò của cử tri: “Muốn có những nghị sĩ thông thái thì đòi hỏi phải có những cử tri thông thái, nếu chúng ta đi bầu đại biểu Quốc hội mà không nhớ là bầu ai thì làm sao mà tác động được vào đại biểu Quốc hội?”.
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị sinh viên hỏi ngược lại: “Liệu rằng đại biểu Quốc hội có đến gần với dân hay không mà yêu cầu dân phải biết mình là ai? Có đại biểu khi đi ứng cử thì hứa hẹn đủ thứ nhưng khi trúng cử rồi thì một lời cảm ơn cũng không có”, sinh viên Ngô Thùy Linh, Trường ĐH Luật Hà Nội nói.
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Sĩ Dũng và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phải bày tỏ những khó khăn của mình. Hai ông đều cho rằng do cơ chế và điều kiện để đại biểu được tiếp xúc với cử tri còn hạn chế, ví dụ đại biểu không có văn phòng để tiếp cử tri...
Bày tỏ ý kiến của mình trước hội nghị, sinh viên Lê Thị Yến Ly, Trường ĐH Luật Hà Nội, chia sẻ: “Chắc chắn khi đứng trước một vấn đề của đất nước, mỗi bạn trẻ đều có những suy nghĩ, quan điểm; thậm chí các bạn còn có những nguyện vọng mong muốn gửi gắm tới Quốc hội nhưng hiện nay không có diễn đàn nào dành riêng cho các bạn để được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, được nói lên suy nghĩ của mình”.
Tại sao sinh viên không tìm được việc làm ?
Đến tham gia hội nghị, hầu như sinh viên nào cũng thấy đây là dịp rất hiếm hoi nên ai cũng muốn bày tỏ mong muốn của mình. Sinh viên Lê Thị Yến Ly đưa ra rất nhiều câu hỏi, trong đó vấn đề bạn quan tâm nhất là: Tại sao nhu cầu nguồn nhân lực về luật ngày càng lớn song sinh viên ngành luật ra trường không tìm được việc làm? Tại sao sinh viên luật không được học luật gắn với thực tiễn và tiếp xúc với thực tiễn…?
Trả lời câu hỏi về việc làm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Hiện nay tỷ lệ cử nhân thất nghiệp rất cao. Khi ông đi giám sát ở một số tỉnh phía bắc thì mỗi tỉnh có không dưới 2.000 cử nhân thất nghiệp, trong đó Thanh Hóa có tới 25.000 cử nhân thất nghiệp. Sắp tới ủy ban phụ trách vấn đề này của Quốc hội cần phải tổ chức điều trần và tìm hiểu nguyên nhân.
Không chỉ quan tâm đến những nhu cầu của mình, nhiều sinh viên đã đặt ra những câu hỏi “vĩ mô” khiến các đại biểu Quốc hội phải giật mình như: “Tại sao luật rất hay phải sửa đổi. Có phải do những người làm luật đã hạn chế về tầm nhìn? Vai trò của Đảng trong việc chống tham nhũng thế nào?...”. Hầu hết những câu hỏi của sinh viên đều được các đại biểu giải đáp cởi mở. Ông Nguyễn Sĩ Dũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Ông Dương Trung Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chống tham nhũng của Đảng. Ông nói: “Người phải có chức vụ nào đó thì mới tham nhũng được mà hầu hết người có chức vụ lại là đảng viên. Vì vậy vai trò chống tham nhũng của Đảng là hết sức quan trọng”.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Chương trình giao lưu lần này là hoạt động khởi đầu cho chương trình xây dựng Nghị viện trẻ do Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức. Chương trình muốn thu hút giới trẻ quan tâm tới các hoạt động chính trị và khích lệ họ có thể trở thành những nghị sĩ tài giỏi trong tương lai. Bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc truyền thông về Quốc hội cho sinh viên là rất cần thiết và cần phải tăng cường các hoạt động giao lưu mang tính đối thoại với họ, vì chính họ sẽ là những người thay thế các đại biểu Quốc hội trong tương lai. |
Vũ Thơ
>> Sinh viên chất vấn đại biểu Quốc hội về việc làm
Bình luận (0)