Trước hết, tôi xin kể một chuyện của cá nhân mình. Năm tôi 12 tuổi, mẹ tôi đã mãi mãi ra đi và tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ đó. Tôi phải đứng đón lễ trong đám tang của mẹ nhiều tiếng đồng hồ liền nên đã bị ngạt khói hương trầm, đến mức suýt nữa thì xỉu đi. Từ đó tôi bị dị ứng cái mùi đó chứ không phải bẩm sinh đã như vậy. Tôi thực sự sợ cái mùi đó. Chỉ cần ngửi thấy thôi là tôi nôn nao, choáng váng, xây xẩm mặt mày. Và đặc biệt là ngửi thấy cái mùi đó thôi là hình ảnh đám tang mẹ tôi lại hiện lên rõ mồn một trước mặt - những hình ảnh mà tôi thực sự không muốn nhớ đến vì tận bây giờ nó vẫn làm tôi đau lòng.
Tại sao tôi lại kể chuyện này? Tất nhiên là không phải vô cớ rồi. Vì đã từng là một đứa trẻ chịu đau khổ trong quá khứ nên tôi cảm thấy rất thương những đứa trẻ khác vì một lý do nào đó mà phải chịu đau đớn về mặt thế xác hay tinh thần. Thế nhưng cứ vài hôm lại thấy báo chí đưa tin về một đứa trẻ nào đó gặp chuyện không hay trên đất nước này. Nào là đứa bé ở Bắc Ninh bị bố dùng điếu cày đánh chết; nào là đứa bé ở Bình Định bị mẹ kế đánh đập dã man; nào là cháu gái ở Bình Phước bị cha ruột hiếp dâm 11 lần; hay gần nhất là cháu bé bị đeo biển “Tôi là người ăn cắp” ở Gia Lai gây xôn xao dư luận…
Những vụ việc này càng nghiêm trọng thì nó lại càng được cộng đồng quan tâm. Phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng, rồi các diễn đàn, các trang mạng xã hội cũng ồ ạt đưa tin, bình phẩm, bình luận… thôi thì không thiếu chỗ nào là không nói đến, rồi để làm phong phú, sinh động và tăng tính chân thực cho bài viết, nơi nào cũng cố gắng kiếm cho được những tấm hình của các cháu rồi đăng lên. Tấm hình nào càng khắc họa một cách sâu sắc về nỗi đau của các cháu thì lại càng được nhiều nguồn trọng dụng.
Tất nhiên là những phương tiện truyền thông kia đa phần là lên án những kẻ đã gây nên nỗi đau cho con trẻ và đồng thời kêu gọi xã hội chăm lo hơn đến trẻ em. Nhưng việc cứ sử dụng hình ảnh, thông tin của các cháu như vậy, theo tôi thì không ổn. 1 - 2 năm sau, thậm chí 10 hoặc 20 năm nữa, chỉ cần một cú click chuột thôi, thông tin, hình ảnh về cái quãng đời buồn, nếu không muốn nói là kinh hoàng đó của các cháu lại hiển thị lồ lộ ngay trước mắt. Ai dám đảm bảo rằng nỗi đau sẽ lại không ùa về? Ai dám đảm bảo những hình ảnh đó, thông tin đó, những lời bình luận đó không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của các cháu?
Hay như mới đây, hầu hết các bài viết về dịch sởi lấy hình ảnh một người cha ôm xác con đau đớn, còn người mẹ thì ngất rũ ra về phía sau để minh họa. Tôi cam đoan rằng những nhân vật trong bức ảnh không hề muốn được chụp hình đăng báo vào cái thời điểm đau thương đó. Thế nhưng hình ảnh của họ vẫn tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nghĩ mỗi khi nhìn thấy tấm hình đó, dù là bao nhiêu thời gian nữa thì những nhân vật trong tấm hình cũng không bao giờ cầm được nước mắt.
Đưa tin, bình luận về nỗi đau của một ai đó để cảnh tỉnh xã hội về một vấn đề nào đó là hoàn toàn cần thiết. Nhưng sẽ là tàn nhẫn nếu chúng ta làm cho nỗi đau của các nhân vật đó không thể nguôi ngoai được chỉ vì cái cách chúng ta đang sử dụng thông tin, hình ảnh của họ trên các phương tiện thông tin một cách vô tội vạ như hiện nay.
Dương Huy Tùng (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một công chức đang sống và làm việc ở Hà Nội
>> Sẽ khởi tố vụ trói tay, bắt học sinh đeo bảng 'Tôi là người ăn trộm
>> Vụ bắt học sinh đeo bảng "Tôi là người ăn trộm": Gia đình theo sát đề phòng bất trắc
>> Nữ sinh bị trói tay, bắt đeo bảng ăn trộm
>> Phẫn nộ vụ học sinh bị nhân viên siêu thị bắt đeo bảng 'ăn trộm
Bình luận (0)