Cần nâng mức hạn điền

08/03/2012 03:36 GMT+7

Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày hôm qua nói rằng trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai, mức hạn điền cần được nâng lên.

Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày hôm qua nói rằng trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai, mức hạn điền cần được nâng lên.

 
Thời hạn sử dụng và quyền sở hữu đất trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai đang là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Người dân không quan tâm quyền sở hữu?

Ông Chính cho rằng khái niệm sở hữu là câu chuyện của các nhà quản lý chứ người dân không quan tâm. “Cái họ quan tâm là có được sử dụng đất lâu dài hay không. Khi nhà nước lấy đất thì bồi thường như thế nào hoặc khi họ có nhu cầu thì có được chuyển nhượng, thế chấp không, dưới hình thức nào?”, ông Chính nói.

 

Qua tổng kết thi hành luật Đất đai 2003, đến hết 2011 cơ quan quản lý đã cấp hơn 35 triệu giấy chứng nhận sử dụng đất với diện tích 20 triệu héc ta. Trong đó, tỷ lệ cấp đô thị chiếm 63,3% tổng số đất đô thị, tương tự khu vực nông thôn 82,1%, đất chuyên dùng 60,5%, đất sản xuất nông nghiệp hơn 82%...

Theo ông, ở Việt Nam, người dân có hết các quyền đối với đất ở, như vậy về mặt lý luận không khác gì so với sở hữu tư nhân. Còn với đất nông nghiệp, đất rừng được giao 20 hay 50 năm, hết thời hạn nếu người dân muốn tiếp tục sử dụng với mục đích làm nông, trong khi nhà nước không có nhu cầu thu hồi thì đương nhiên người dân được gia hạn. “Như vậy, sở hữu gì không quan trọng, quan trọng là nội dung bên trong. Còn kể cả có sở hữu tư nhân về đất đai nhưng nhà nước cần lấy đất cho quốc phòng, an ninh thì người dân vẫn phải chấp nhận. Đương nhiên, khi nhà nước lấy đất của tư nhân thì phải bồi thường cho thỏa đáng”, ông Chính lý giải.

Đối với vấn đề hạn điền, ông Chính cho biết quan điểm của Bộ Tài nguyên - Môi trường là phải nâng hạn mức hiện nay lên để có thể phát triển sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa. Để tránh trường hợp tích tụ ruộng đất với mục đích đầu cơ, phát canh thu tô, ông Chính cho rằng cần dùng chính sách thuế lũy tiến đánh vào những người có nhiều đất. “Hiện chúng ta đang quy định hạn điền khác nhau ở các vùng, miền nhưng theo tôi chỉ cần chung một mức mà thôi. Còn mức độ cụ thể bao nhiêu cần phải nghiên cứu thêm cho phù hợp”, ông Chính nói thêm.

Cho rằng các nội dung trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai như sở hữu, hạn điền, thời hạn giao đất… đều là vấn đề nhạy cảm nên ông Bùi Sĩ Dũng - Vụ phó Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) - khẳng định Ban soạn thảo chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp ý kiến rồi trình Chính phủ, sau đó trình Bộ Chính trị kết luận. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, quá trình tổng kết luật Đất đai cũ cho thấy hệ thống pháp luật và văn bản sau luật quá nhiều, quá trình vận hành và áp dụng không được tốt.

 Về tiến độ thực hiện, ông Chính cung cấp thêm thông tin, hiện đang đi theo đúng kế hoạch, sẽ trình dự thảo vào tháng 6.2012, sau đó trình UBTVQH vào tháng 8.2012. Về dự thảo luật có xin ý kiến của người dân để phúc quyết hay không, ông Chính cho biết, đối với luật Đất đai lần nào sửa cũng phải trình qua 2 kỳ họp Quốc hội. Lần thứ nhất trước khi trình phải lấy ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó mới trình ra QH lần 2 để thông qua.

Kéo dài thời hạn đến 2033

 

Liên quan tới vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ông Bùi Sĩ Dũng cho biết hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đang soạn công văn để xử lý vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nói riêng và các hộ nuôi trồng thủy sản khác nói chung. Việc này phải căn cứ vào quyết định giao đất của địa phương. “Các quyết định có cái đúng, có cái sai hoặc sai một phần vì đất giao cả trước và sau thời điểm luật Đất đai 1993 có hiệu lực. Hướng xử lý đối với các quyết định sai thì thu hồi hết”. Hiện tại, Bộ đã yêu cầu các tỉnh, địa phương khác báo cáo về tình hình quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển. Bộ sẽ cử các đoàn về công tác địa phương, sẽ có giải pháp giải quyết trọn gói gắn với gia hạn đất nông nghiệp.

Liên quan đến thời hạn sử dụng đất chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ hết hạn, ông Chính cho biết nhà nước sẽ không thu hồi lại toàn bộ đất nông nghiệp đã giao khi hết thời hạn vào 10.2013 để chia lại mà sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn sử dụng cho hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu, thời hạn kéo dài thêm là 20 năm.

Cụ thể, theo luật Đất đai 1993, các hộ gia đình và cá nhân được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp chỉ có thời hạn 20 năm, tức từ 15.10.1993 và hạn cuối cùng vào 15.10.2013. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Chính phủ cũng như quy định của luật Đất đai 2003, người dân sẽ tiếp tục được gia hạn, nhưng căn cứ trên từng trường hợp.

Đối với các hộ gia đình và cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối… sẽ tự động được gia hạn đến năm 2033, người dân chỉ cần mang giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng ra cơ quan quản lý đất đai làm thủ tục gia hạn.

Đối với loạt đất khác, trước thời điểm kết thúc thời hạn sử dụng đất 6 tháng, nếu có nhu cầu người sử dụng đất làm đơn gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để xem xét, giải quyết. Với trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục, nhà nước sẽ thu hồi để chia cho các hộ và gia đình khác.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.