Ngày về của “cậu bé napalm”: Cô dâu Thụy Sĩ ở làng

03/05/2012 03:44 GMT+7

Năm 39 tuổi, Đoàn Sơn có một quyết định quan trọng. Anh tự hứa với bản thân đến 50 tuổi sẽ về quê mẹ sinh sống. Người vợ Thụy Sĩ của Đoàn Sơn cũng theo chân anh.

Khi Đoàn Sơn trở thành kỹ sư nông nghiệp làm việc cho một công ty chuyên trồng hoa tại thành phố Zurich ở tuổi 20, anh gặp Christina-Eva Handloser (tên thường gọi là Sissi), cô gái người Thụy Sĩ cùng tuổi.

Sissi mồ côi cha khi lên 16 tuổi. 20 tuổi, cô và anh trai đi tìm việc làm và ở trọ tại một căn nhà gần nhà mẹ nuôi của Đoàn Sơn. Thi thoảng hai người gặp nhau nhưng Sơn không dám thân mật. Nhưng chính lòng tốt, sự chân thành lẫn nhiệt tình của Đoàn Sơn đã khiến Sissi xiêu lòng.

“Sissi không ngại về hình thức và gốc gác của Sơn. Sissi chỉ thấy ở Sơn một trái tim tốt và lòng nhân từ”, cô tâm sự. Họ đi đến quyết định cùng nhau chung sống, rồi có với nhau ba người con, hai gái một trai.

Con cái ngày một lớn khôn, Đoàn Sơn lại nghĩ đến chuyện trở về VN sinh sống. Năm 42 tuổi, anh đi học tiếng Việt ở một trường đại học. Lớp học 12 người nhưng sau vài tháng chỉ còn mình anh. Thầy giáo không thể tiếp tục đứng bục giảng, anh lại tìm nơi khác để học. Cuối tuần được nghỉ việc, anh bắt xe buýt đến Ebnat Kappel - một vùng đất khá xa Zurich - để học. Sau 4 năm, Đoàn Sơn có đủ một số vốn tiếng Việt “lơ lớ” cho hành trang trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Trở về

Năm 1989, Đoàn Sơn (lúc ấy 32 tuổi) trở về VN. Sau khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, anh đi thẳng về làng và đã tìm lại được quê hương. “Lần ấy, trong căn nhà này mình khóc suốt bốn tuần liền. Trở lại Thụy Sĩ một thời gian thì mình quyết định đúng 50 tuổi sẽ trở về VN sinh sống”, anh thổ lộ.

Năm 2007, đúng tuổi 50, Đoàn Sơn quyết định nghỉ hưu non để về VN. Ngày trở về ngôi làng nghèo bên phá Tam Giang của anh còn có người vợ yêu quý.

“Anh làm sao thuyết phục được chị Sissi về thôn Truyền Nam?”, tôi hỏi. Chị Sissi cướp lời chồng: “Mình rất hiểu ý chồng. Sơn đi đâu thì Sissi theo đó, chỉ có điều phải đợi đến khi con cái lớn khôn và mẹ đẻ qua đời Sissi mới qua VN được”.

 Một trong những lý do khiến Đoàn Sơn quyết định về VN sinh sống là để chăm sóc, phụng dưỡng người dì ruột hiện đang sống neo đơn
Một trong những lý do khiến Đoàn Sơn quyết định về VN sinh sống là để chăm sóc, phụng dưỡng người dì ruột hiện đang sống neo đơn  - Ảnh: Gia Tân

 Bà Sissi
Bà Sissi - Ảnh: Gia Tân

Tấm lòng thơm thảo

Bây giờ thì đã 5 năm, dân làng An Truyền không còn ngỡ ngàng như thuở ban đầu thấy một “bà Tây” ngày nào cũng xách giỏ ra chợ và thường đi nhặt rác xung quanh thôn xóm. “Từ khi có vợ chồng anh Sơn về đây sinh sống thì thôn xóm sạch sẽ hơn. Người dân mình có thói quen vứt rác bừa bãi nên vợ chồng họ thường hay đi nhặt lại rồi bỏ vào từng bao tải để đưa đến nơi bỏ rác tập trung. Thấy họ làm thế nên nhiều người ý thức hơn”, chị Hồng Lợi, hàng xóm vợ chồng Sissi, kể.

Chị Lợi là một trong ít người mà chị Sissi tìm đến để học hỏi cách nấu món ăn Việt. Để chuẩn bị bữa ăn cho chồng, với Sissi không quá khó khi chị có thể làm những món ăn Tây. Nhưng việc học nấu món ăn Việt là có chủ ý.

“Sissi thường hay sang nhà mình vào những buổi nấu ăn. Cô ấy cứ đứng bên cạnh nhìn mình làm cá, ướp thịt, xào rau… Khi thức ăn vừa sôi cô bắt đầu tập trung để cảm nhận mùi vị. Sau đó thì cô lại hỏi mình bỏ những loại gia vị gì, nấu món đó phải thế nào…”.

Nhắc chuyện này anh Sơn cười cảm động: “Sissi biết mình về VN sống là còn để phụng dưỡng dì Thẩn. Dì không có con cái, tuổi già lại sống một mình nên Sissi muốn tận tay nấu ăn cho dì, chăm sóc dì. Những ngày đầu Sissi mang món ăn qua cho dì, dì ăn không được nhưng vẫn khen: ừ, ngon. Mình bảo dì nói thế là không tốt, đừng ngại chê để Sissi tiến bộ”.

Bây giờ thì Sissi đã quen dần với tập quán sống với người bản xứ, ngoại trừ việc… luôn bị ép giá khi vào chợ. Người phụ nữ Thụy Sĩ đã có thể tự tay làm cá, mổ gà, nấu canh, kho cá - những việc cô chưa từng làm ở xứ sở của mình. Dần dà, sau khi dùng những món ăn Sissi tự nấu, dì Thẩn đã mở lời thật lòng: “Được đó”.

Hiện mỗi ngày 3 bữa, vợ chồng Sissi đều dâng cơm, rửa ráy, chăm sóc đều đặn cho dì Thẩn. “Sissi tốt không thua gì con dâu Việt. Có thể các món ăn cháu nó nấu không ngon bằng người Việt, nhưng dùng cái tâm để nấu nướng thì đó là bài học muôn đời của người vào bếp”, người phụ nữ vượt qua bom đạn gánh Đoàn Sơn lên nhà thương Huế cứu chữa 44 năm trước đúc kết.

Vợ chồng Đoàn Sơn về sống ở Truyền Nam bằng những đồng lương hưu non ít ỏi. Dù thế, vợ chồng anh luôn trích một ít để giúp đỡ những gia cảnh khó khăn.

Người dân thôn Truyền Nam cho hay đã có hàng chục trường hợp khó khăn, đau ốm bệnh tật khi nghe tin vợ chồng Đoàn Sơn liền tìm tới. Không nhiều, vợ chồng anh cũng “gửi” ít tiền để họ trang trải. Hay có một học sinh nhà nghèo không có xe đi học, anh chị liền lên phố mua một chiếc xe đạp về cho. Hiện mỗi tháng, vợ chồng Sơn đều gửi 50 USD và 300.000 đồng cho gia đình một người dân trong thôn bị tai biến nằm liệt giường. “Có khi vợ chồng mình không có tiền, phải gọi sang Thụy Sĩ vận động bạn bè, anh em bên đó. Họ giúp mỗi người chút ít, nhưng việc đó không phải lúc nào cũng thuận lợi”, anh Sơn nói.

Nơi vợ chồng Đoàn Sơn ở là căn nhà cấp 4, vốn được bà con họ hàng trông nom những tháng năm anh sống ở xứ người. Ngay khi trở về quê, vợ chồng Đoàn Sơn bắt tay vào sửa lại. Mùa hè năm 2011, Fanjo, người con trai 33 tuổi của vợ chồng anh, từ Thụy Sĩ sang thăm quê nội đã cùng bố mẹ sơn nhà, phát cỏ, dọn vườn. Tận dụng khu vườn rộng gần 1.300 m2 vợ chồng anh suốt ngày cuốc xới để trồng rau quả. “Mình làm để tặng là chính. Tặng mới giá trị chứ bán thì giá cả buồn lắm”, Sơn cười nói.

Còn Sissi, khi tôi hỏi chị có muốn ở lại mãi ở Truyền Nam hay sau này trở lại Thụy Sĩ, cô nhìn dì Thẩn rồi cười: “Mình nhớ các con và nhớ cháu ngoại lắm, nhưng việc đó thì không nói trước được”.

Gia Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.