Không bỏ sót người có công

23/03/2014 03:00 GMT+7

Ngay trong năm nay, cụ thể từ tháng 4 tới, MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan tiến hành tổng rà soát quy mô việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tại hội nghị hôm 18.3.

Người vui mừng nhất trước thông tin này chẳng phải ai khác chính là những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân từng có công với cách mạng nhưng vì lý do nào đó đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ theo quy định của nhà nước.

Dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng ở nước ta chính sách đối với người có công vẫn đang còn nhiều điều phải bàn, phải giải quyết. Trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiếp đến là những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người nhiều thế hệ đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến thân thể, sức lực cho đất nước. Đền đáp, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người có công là vấn đề đạo lý, là việc làm đương nhiên. Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, được thực hiện nhiều năm qua, đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung. Điều đó cho thấy về mặt pháp lý, các chế độ chính sách ưu đãi là rất cụ thể, rõ ràng, ngày càng hoàn thiện. Vậy thì tại sao vẫn còn những lỗ hổng, những bỏ sót, thậm chí sai lầm nghiêm trọng, những bức xúc của người có công? Phải nói ngay, sai phần lớn từ khâu thực hiện, từ quy trình và con người áp dụng pháp lệnh, quy định của nhà nước. Trong bộ máy vận hành, cần phải rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách, từ trên xuống dưới, từ trung ương đến từng cơ sở. Rất nhiều việc phải làm, chỉ xin nêu ra 2 vấn đề nổi cộm.

Việc làm trước tiên của cuộc tổng rà soát, theo tôi, là không bỏ sót bất cứ người có công nào. Với các trường hợp gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, mẹ VN anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, TNXP… có lẽ không khó thống kê, nhưng còn nhiều trường hợp cán bộ, quân nhân hoạt động trước và sau năm 1945, trong các cuộc kháng chiến, với người hoặc gia đình có công với cách mạng thì không đơn giản. Muốn nắm chắc, chính xác, phải tới từng cơ sở, phải dựa vào dân. Lắng nghe từng phản ánh, từng bức xúc, từng tâm tư nguyện vọng của dân. Nếu chỉ nghe báo cáo từ cán bộ, khó tránh khỏi vết xe sai sót cũ.

Tiếp theo, cũng cực kỳ quan trọng, là chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách. Họ thay mặt nhà nước thực hiện chủ trương nhân nghĩa vô cùng tốt đẹp nhưng lâu nay đã gây ra không ít điều tiếng khiến lòng dân bất bình. Nói đâu xa, tôi có ông bác ruột, cụ Nguyễn Phẩm Bình (xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, có cả Huân chương kháng chiến thời chống Pháp và chống Mỹ, nhiều bằng khen của Thủ tướng chính phủ, vậy mà thân nhân bỏ biết bao công sức làm chế độ cho cụ nhưng cán bộ chính sách hạch đủ điều khó dễ, thậm chí vòi tiền, gia đình chán nản nên đến nay cụ vẫn không nhận được bất cứ ưu đãi nào. Vậy thì rà soát không chỉ đối với người có công mà phải tổng kiểm tra lại toàn bộ đội ngũ cán bộ được giao thực hiện chính sách. Chính những sai phạm của họ không chỉ làm người có công thiệt thòi quyền lợi, mà nghiêm trọng hơn, khiến lòng dân oán thán, niềm tin của cán bộ và nhân dân vào chế độ giảm sút.

Cuộc tổng rà soát lần này, theo Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, nếu sợ khó thì sẽ không bao giờ làm được. Thực tế đặt ra nhiều thách thức, nhưng ông Nhân quả quyết “lần này phải quyết tâm làm để trả lời dứt khoát với dân”.

Người dân, nhất là người có công, đang chờ đợi và hy vọng.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.