Họ chọn Việt Nam để sinh sống, yêu mến nghệ thuật Việt, phấn đấu học tập rồi trở thành họa sĩ, nhà sưu tập, thậm chí đạo diễn nhờ tình yêu dành cho đất nước này.
Trở thành nghệ sĩ
Đó là trường hợp của họa sĩ người Pháp Helene Kling, người đã có nhiều buổi triển lãm tranh về Việt Nam thời gian qua. Bà kể tình cờ, trong một chuyến đi công tác ở Thái Lan năm 1994, bà ghé sang TPHCM để xem vài phòng tranh ở đường Đồng Khởi.
|
“Không hiểu sao tôi bị cuốn hút thực sự vì sự pha trộn giữa nét châu Á và chút phong cách Pháp cổ điển của TPHCM. Tôi có cảm giác ở đây mình mới thực sự sống, trong khi ở Pháp, tôi bị cuốn vào cả núi công việc bận rộn mà quên đi đời sống đúng nghĩa” - Helene chia sẻ.
Khi trở về Pháp, bà thuyết phục công ty nơi bà đang làm việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam và năm 1996, bà có điều kiện trở lại, choáng ngợp trước vẻ đẹp cũng như cuộc sống của người dân TPHCM. Lúc đó, ước muốn được vẽ cứ chiếm lấy bà. Bằng sự tự học, chỉ 3 năm sau, Helene trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Nếu như danh họa người Pháp Claude Monet từng nói một câu nổi tiếng: “Có lẽ tôi trở thành họa sĩ là nhờ các bông hoa” thì với Helene: “Có lẽ tôi trở thành họa sĩ là nhờ Việt Nam!”.
Khác với Helene, đạo diễn Jaime Zũniga đến Việt Nam khi có sẵn tất cả kỹ năng sân khấu. Anh tốt nghiệp ngành kinh tế và kịch nghệ tại Nicaragua, tham gia Hội Hài kịch quốc gia Nicaragua và diễn nhiều loại vai từ kịch cổ điển Tây Ban Nha đến bi kịch Hy Lạp cổ đại. Năm 2006, Jaime cùng những người bạn của mình lập nhóm kịch tên Dramazul Teatro và đi lưu diễn nhiều nơi.
Đến Việt Nam, Jaime quyết định thử sức vai trò đạo diễn sân khấu, dàn dựng vở kịch nổi tiếng The Importance Of Being Earnest. Lý do để Jaime phiêu lưu là vì sân khấu TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung không có kịch tiếng Anh dành cho đối tượng khán giả người nước ngoài đang sống và làm việc tại đây. Đó là lý do Jaime quyết tâm bắt tay xây dựng thị phần kịch đang thiếu này tại TPHCM, theo cách của mình.
Kịch tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt của Jaime chủ yếu được diễn bằng những diễn viên bản ngữ để bảo đảm cách phát âm chuẩn xác, cố gắng duy trì các suất diễn định kỳ nhằm tạo nên một điểm đến cố định dành cho người nước ngoài tại TPHCM.
Hết mình
Với đạo diễn Jaime Zũniga, khoảng thời gian 3 năm đủ để anh quyết định ở lại Việt Nam làm việc. Anh nói: “Khi quyết định đến Việt Nam, tôi không nghĩ sẽ tiếp tục công việc trình diễn nghệ thuật của mình. Tôi đến đầu tư công việc hậu cần nhưng ánh đèn sân khấu luôn ám ảnh tôi. Tôi đã gắn bó với sân khấu khi còn là một sinh viên đại học cách đây 10 năm với vai trò diễn viên. Bây giờ, tôi làm thêm việc của một đạo diễn và nhà sản xuất”.
Nói về công việc hiện tại, Jaime bảo để xây dựng dự án ra mắt các vở kịch tiếng Anh trên sân khấu Việt, anh biết trước hết phải xây dựng một đội ngũ trình diễn lớn và tài năng để chia sẻ niềm đam mê. Đó là một điều khó nhưng không phải không thể thực hiện.
Còn riêng Helene Kling, bà không chỉ trở thành họa sĩ mà tình yêu sâu đậm với Việt Nam còn được thể hiện qua cuốn sách Dragon Tears (Nước mắt rồng) viết năm 2007. Bà viết: “Sống ở Việt Nam, mọi giọt nước mắt buồn vui hay hạnh phúc đều xuất hiện trên những bức sơn dầu của tôi. Tất cả cảm xúc của tôi đều đã được vẽ hoặc viết lên. Vì thế, khi bạn xem những giọt nước mắt của rồng, có thể bạn sẽ thấy được điều tôi đã thấy”.
Jaime Zũniga chia sẻ rằng sau thành công của vở kịch đầu tiên mang tên The Importance Of Being Earnest, anh có thêm động lực để chuẩn bị ra mắt vở kịch mới mang tên The Little Prince dành cho khán giả thiếu nhi, ra mắt vào cuối năm nay. Điều mà nhóm kịch nước ngoài này có được là sự ủng hộ của nhiều diễn viên chuyên nghiệp lẫn khán giả. Điều đó tạo nên sự ăn ý của các diễn viên Việt Nam và nước ngoài.
Nhưng cái khó mà họ đang đối mặt chính là khoản kinh phí quá lớn phải đổ ra để xây dựng dự án của mình. Họ phải bỏ ra 100% kinh phí nhưng hoàn toàn không thể đoán trước được vở kịch của mình có thành công hay không. Với Jaime, đó là sự liều lĩnh quá lớn. Dẫu vậy, anh vẫn hy vọng trong tương lai, với sự nỗ lực của nhóm, sân khấu kịch của mình tại TPHCM cũng có vài vở diễn/năm, mỗi vở cũng sống trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần.
Ông Tây mê tranh Việt Thế giới hội họa còn biết đến những ông Tây mê tranh và vẽ tranh Việt như Robert Taylor (TP Vũng Tàu), Michelle Pontie… nhưng mê đến mức bỏ tiền tổ chức sân chơi cho họa sĩ Việt thì chỉ có ông Richard di San Marzano, nhà sưu tập tranh người Ý. Ông bỏ tiền túi tổ chức cuộc thi vẽ chân dung Dogma dành cho họa sĩ Việt Nam. Bức họa chân dung đoạt giải nhất với mức thưởng 120 triệu đồng (6.000 USD) sẽ thuộc sở hữu cá nhân của Richard. “Đó là một mức giá tốt cho bất cứ bức tranh nào, đặc biệt là tranh chân dung. Tôi đã đưa ra mức giá đó sau khi dành nhiều thời gian khảo sát ở phố tranh Đồng Khởi” - Richard cho biết. Với Richard, Việt Nam là duyên nợ. Ông sống ở Việt Nam từ khi mới 7 tuổi, đến 13 tuổi thì rời đi và qua nhiều đất nước khác nhau. Cuối cùng, Richard lại trở về Việt Nam. Sống và làm việc bên cạnh cô vợ người Việt, đạo diễn Linh Huyền. Richard không rành tiếng Việt nhưng có thể hiểu rõ tính cách, lối sống, con người Việt Nam và cả mỹ thuật Việt. Ông tâm sự: “Với tư cách nhà sưu tầm, đôi khi trên hai vai tôi mang cả 2 hình dáng ác quỷ và thiên thần. Tôi muốn nhìn mọi thứ theo chiều hướng lợi nhuận vì tôi là nhà kinh doanh. Nhưng tình yêu dành cho mỹ thuật Việt của tôi luôn lớn hơn. Tôi không nghĩ đến chuyện bán mà cứ sưu tầm cho riêng mình”. Sinh ra ở Anh, mang tên Ý, từng sống ở nhiều nước trên thế giới nhưng với Richard: “Tôi chọn Việt Nam để sinh sống vì một điều hết sức đơn giản, tôi yêu Việt Nam!”. |
Theo Người Lao Động
>> Helene Kling và “Niềm đam mê nghệ thuật dành cho Việt Nam”
>> CLB Lãnh sự quán tổ chức đấu giá tranh gây quỹ từ thiện
Bình luận (0)