Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 5: “Luật như thế nên phải tuân thủ thôi”

13/04/2013 00:05 GMT+7

Quanh chuyện kiểm duyệt phim tại VN, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (ảnh), Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN, Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên.

>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 4: Thoáng ngoài, siết trong

Thưa bà, Hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) có gặp trở ngại gì trong việc xét duyệt những bộ phim cả trong lẫn ngoài nước?

Tôi muốn nói lại cho rõ, HĐDPQG chỉ gồm 9 người, không phải 11 người. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh không là thành viên của hội đồng và anh Khuất Duy Tân là cán bộ Cục Điện ảnh, chỉ làm công việc thư ký cho HĐDPQG thôi.

 Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 5: “Luật như thế nên phải tuân thủ thôi” 1

Còn về chuyện duyệt phim, hiện nay đã thoáng hơn trước nhiều lắm. HĐDPQG nói chung và riêng tôi nói riêng đều rất ưu ái với phim Việt. Cứ thấy phim Việt là mắt sáng ngời lên vì thích! Như trường hợp phim Mùa hè lạnh do Ngô Quang Hải đạo diễn. Suốt 3 tuần liền, HĐDPQG đều nhận 3 bản hỏng của phim này, cái thì không tiếng, cái lại hỏng hình ảnh mà chúng tôi vẫn kiên trì chờ đợi để duyệt vì luôn dành sự ưu ái cho phim Việt. Chúng tôi tôn trọng và rất quý những nhà làm phim, cùng chung một mong muốn: phim Việt ngày càng hay và nhiều hơn. Cá nhân tôi lúc nào cũng trọng thị những nhà làm phim trong nước.

Để phim Việt có thể dễ dàng vượt qua khâu kiểm duyệt, theo bà các nhà làm phim cần điều gì?

Là người sáng tác, biên kịch điện ảnh, tôi cũng rất cảm thông với những người làm phim hiện nay. Trước một đề tài hay ý tưởng hay tôi cũng “say” lắm chứ, nhưng phải tỉnh táo và phải hiểu cuộc sống hiện nay cần cái gì, đòi hỏi nghệ sĩ phải làm gì.

 Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 5: “Luật như thế nên phải tuân thủ thôi” 2
Dustin Nguyễn trong phim Huyền thoại bất tử - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Phim được làm ra cần cụ thể địa danh, địa điểm cũng như thời điểm nào đấy. Khán giả phải biết được rằng phim được làm ở giai đoạn nào, thuộc về lịch sử hay cuộc sống đương đại.

Phim Bụi đời Chợ Lớn có chuyện phim diễn tiến không biết ở thời điểm nào, sau hay trước 1975. Nếu chuyện phim diễn ra trước 1975 khi mang sang nước ngoài, liệu cộng đồng khán giả Việt kiều có chấp nhận? Còn sau năm 1975 thì chính quyền ở khu Chợ Lớn (TP.HCM) người ta có đồng ý không? Đó cũng là điều rất rạch ròi mà nhà làm phim phải chỉ rõ về địa điểm, thời gian băng đảng bụi đời hoạt động. Theo tôi, băng nhóm ở Chợ Lớn cũng có thể có chứ không phải là không, nhưng khi làm phim anh cần thuyết phục được người xem.

 

Hiện nay cơ chế về kiểm duyệt phim là hạn chế những cảnh quay bạo lực, máu đổ hay hở hang thái quá và luật Điện ảnh cũng nêu rõ như thế nên chúng tôi phải tuân thủ thôi. Các thành viên trong HĐDPQG dù có thoáng mấy cũng không thể vượt qua luật được

Nhiều đạo diễn nói rằng với phim truyện điện ảnh phải tôn trọng yếu tố hư cấu, chứ nếu cứ gắn chặt nội dung phim với hiện thực cuộc sống thì trở thành phim tài liệu rồi. Ý kiến của bà như thế nào?

Không thể hiểu một cách máy móc như thế. Điều quan trọng là một tác phẩm điện ảnh mang lại quá nhiều những cảnh quay bạo lực, đánh đấm thì rõ ràng là không được. Đương nhiên phim hành động, nói về xã hội đen là phải đánh đấm, nhưng đánh đấm làm sao để đẹp, mang tính nghệ thuật và thấm đẫm nhân văn là điều mà các đạo diễn cần làm. Khán giả sẽ cảm thụ được điều đó ngay.

Các thành viên trong hội đồng khi xem Bụi đời Chợ Lớn đều thấy quá khốc liệt, đẫm máu và thật sự là lo sợ. Hiện nay cơ chế về kiểm duyệt phim là hạn chế những cảnh quay bạo lực, máu đổ hay hở hang thái quá và luật Điện ảnh cũng nêu rõ như thế nên chúng tôi phải tuân thủ thôi. Các thành viên trong HĐDPQG dù có thoáng mấy cũng không thể vượt qua luật được.

Trước ý kiến cho rằng nên có thành viên phía nam trong HĐDPQG, bà có nhận xét gì về chuyện này?  

Điều này phải kiến nghị với Cục trưởng Cục Điện ảnh. Thêm người miền Nam vào HĐDPQG đòi hỏi thêm kinh phí ăn ở đi lại vì hiện nay mỗi tuần tại Hà Nội chúng tôi có 2 buổi duyệt vào thứ hai và thứ sáu (duyệt cả phim trong nước và nước ngoài). Một buổi duyệt 2 phim. Riêng ý kiến nên có thêm thành viên HĐDPQG phía nam vì khoảng 80% phim Việt hiện nay do phía nam sản xuất tôi cũng rất đồng tình. Thêm thành viên trong nam chia sẻ chuyện duyệt phim, chúng tôi sẽ đỡ mệt hơn. 

HĐDPQG có “thoáng” khi duyệt phim ngoại nhập so với phim nội không?

Không hề. Những nhà nhập khẩu phim nước ngoài là những nhà kinh doanh, họ rất chuyên nghiệp và am tường luật Điện ảnh. Nhà nhập khẩu phim ngoại thừa biết phim nào nên nhập để hợp khẩu vị khán giả cũng như qua được hàng rào kiểm duyệt. Họ đã tự sàng lọc trước khi đưa bộ phim cho HĐDPQG xem. Nhiều bộ phim Mỹ rất hay, tuy thuộc thể loại phim hành động, đánh đấm nhưng họ luôn nêu bật tính nhân văn, thiện thắng ác, chính thắng tà, ca ngợi những nhân vật dũng cảm dám đứng lên chống lại cái ác. 

Khó thay đổi do cơ chế và luật

“HĐDPQG chịu trách nhiệm trước Cục Điện ảnh khi ngồi vào ghế kiểm duyệt phim. Quan điểm của HĐDPQG là thống soái, là tiếng nói “sinh sát” cuối cùng cho một bộ phim trước khi trình chiếu. Tôi nghĩ những thành viên trong HĐDPQG cần tránh sự suy diễn hay áp đặt khi tiếp nhận một bộ phim, đặc biệt là phim Việt. Phim Tuổi thơ dữ dội tôi làm năm 1987 bị HĐDPQG yêu cầu sửa lại vì tôi đã cho 2 nhân vật tuổi thiếu niên là Quỳnh Sơn Ca và Mừng hy sinh ở đoạn cuối khi chiến đấu chống giặc Pháp. HĐDPQG yêu cầu tôi không được cho nhân vật Mừng chết vì như thế phim sẽ u ám, nặng nề, bi quan trong chiến đấu quá. Trường hợp phim Xích lô của Trần Anh Hùng bị cấm chiếu tại VN do cái nhìn về Q.5, TP.HCM của đạo diễn là phiến diện, với một bức tranh bệnh hoạn, chém giết đầy bạo lực nhưng sau đó phim này đoạt giải Sư tử vàng LHP Venice năm 1995. Theo tôi, do cơ chế duyệt phim hiện nay và luật Điện ảnh quy định nên HĐDPQG khó thể thay đổi. Trung Quốc luôn có 2 bản phim, một bản giữ theo ý đồ đạo diễn để dự thi quốc tế, một bản chỉnh sửa, cắt xén theo yêu cầu HĐDPQG nên tạo điều kiện cho đạo diễn có cơ hội tiếp cận với điện ảnh thế giới hơn. VN nên làm theo cách này”.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn 

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Bật khóc khi phim bị cắt

“Ngày ở Thái Lan, nghe tin HĐDPQG cắt đoạn đầu phim Lấy chồng người ta, lúc diễn viên Đinh Y Nhung bị đánh ghen lột quần áo đứng giữa chợ, mang tấm bảng “Lấy chồng người ta” trước ngực, tôi đã bật khóc. Giọt nước mắt của người đàn ông hơn 50 tuổi đắng chát vì buồn cho đứa con tinh thần của mình. Nguyên nhân, theo HĐDPQG là diễn viên già xấu quá mà đưa cảnh đó lên làm gì! Tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng bất thành. Cảnh quay Trần Bảo Sơn trong phim Huyền thoại bất tử vạch quần đái vào hũ tro cốt thi hài mẹ Dustin Nguyễn cũng bị cắt. Tôi muốn đưa tình huống này vào phim để đẩy sự xung đột của 2 nhân vật này lên đỉnh điểm, dẫn đến chuyện Dustin Nguyễn phải ra tay tiêu diệt kẻ ác. Đoạn này bị cắt khiến khán giả chung hửng vì chẳng hiểu sao Dustin Nguyễn lại căm thù Trần Bảo Sơn đến thế. Tôi từng gửi kịch bản phim Tình, tiền, tù, tội cho HĐDPQG lấy bối cảnh hiện nay thì bị gạt. Sau đó tôi chỉnh sửa kịch bản lùi thời điểm xảy ra câu chuyện trước năm 1975 lại được duyệt!”.

 Đạo diễn Lưu Huỳnh

Đạo diễn Lưu Huỳnh

Phân loại phim là cách tốt nhất

“Có thay đổi người già bằng người trẻ hơn trong HĐDPQG, theo tôi chưa chắc mang lại thay đổi gì vì cơ chế duyệt phim của chúng ta là vậy. Do vậy, phân loại phim là cách tốt nhất nên làm ngay để thay đổi chuyện này. Phải xác định những bộ phim phản động, kích động chia rẽ dân tộc, chống chế độ dứt khoát phải cấm. Còn lại nên tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ. Không tự do trong sáng tạo thì không bao giờ làm được điều gì nhất là nghệ thuật”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.