Từ thành công của Mekong Star lần 1
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Nhận định nông nghiệp xanh, giảm phát thải là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL, năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup lần 1). Qua đó, các tỉnh, thành trong khu vực đã cam kết thúc đẩy các mục tiêu "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp" để góp phần thực hiện thành công "Nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi".
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, qua diễn đàn Mekong Startup lần 1 đã mở rộng không gian kết nối cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Đến nay, nhiều hoạt động thiết thực đã được thực hiện, đem lại kết quả cao về phát triển nông nghiệp cho khu vực, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Điển hình là nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên được triển khai ở nhiều địa phương, như: mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của Đồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau…; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Đến giải quyết các vấn đề cấp thiết cho khu vực
Nối tiếp thành công của diễn đàn Mekong Startup lần 1, trong 2 ngày 15 - 16.11, tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn Mekong Startup lần 2 với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển, gồm nhiều sự kiện để giải quyết các vấn đề cấp thiết cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Diễn đàn đã tập trung thảo luận 2 bài toán khó. Thứ nhất, những xu hướng mới, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL. Thứ hai, bài toán trọng tâm của quốc gia và của vùng về thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế. ĐBSCL là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự suy giảm của các hệ sinh thái tự nhiên.
"Trước những thách thức này thì khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề, tạo ra giá trị mới và phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc tổ chức diễn đàn là vô cùng cần thiết. Sau diễn đàn này, chúng tôi sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến của quý đại biểu để xây dựng, hoàn thiện báo cáo đệ trình Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL", ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Điểm rất mới của diễn đàn Mekong Startup lần 2 này là Đồng Tháp khởi xướng tổ chức cuộc thi "Sáng kiến Mekong lần 1" để chọn các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội - đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng khởi xướng sáng kiến thành lập "Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong", gồm các nhóm công tác nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên Mekong xanh với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Bình luận (0)