Diễn đàn về an toàn thực phẩm

19/08/2005 23:46 GMT+7

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế (TP.HCM): Có bức xúc mới có sự thống nhất trong hành động Việc Báo Thanh Niên dấy lên diễn đàn VSATTP, đã đánh động các ngành có sự quan tâm hơn, bức xúc hơn với thực trạng VSATTP. Tôi thống nhất với cách đặt vấn đề của các ý kiến tham gia diễn đàn, và qua đó, tôi cũng thấy ấm lòng, bởi ai cũng bày tỏ sự quan tâm về VSATTP. Chỉ khi chúng ta thật sự quan tâm, bức xúc, thì mới có sự thống nhất nhau trong hành động.

Ngành y tế cũng như thành phố và cá nhân tôi rất ý thức về tầm quan trọng VSATTP. Việc quản lý VSATTP là vấn đề phức tạp, khó khăn rất nhiều, bởi đụng đến mọi người và mỗi ngày. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tình trạng VSATTP của chúng ta ngày một xấu đi. Không phải vậy. Do sự phát triển, nhu cầu, trình độ, sự quan tâm về VSATTP ngày càng tăng. Vì thế xã hội đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết. Cần thấy rằng, chúng ta đang phát triển với tốc độ rất nhanh, có những cái chúng ta học kinh nghiệm từ các nước, nhưng cũng có cái chúng ta tự mày mò trong điều kiện của mình. Có những việc chúng ta không thể so sánh với nhiều nước phát triển hơn mình được.

Nói rằng tổ chức bộ máy quản lý VSATTP của chúng ta chưa hữu hiệu, còn yếu, rất đúng; không những chưa hữu hiệu, còn yếu, mà còn nhiều bất cập, không theo kịp với sự phát triển của xã hội. Hơn ai hết, là người trong cuộc, nên tôi thấy rất rõ việc này. Một ví dụ, tại Sở Y tế TP.HCM chỉ có hai cán bộ VSATTP ở Phòng Nghiệp vụ và chỉ một cán bộ thanh tra VSATTP trên 8 triệu dân! Trung tâm Y tế dự phòng cũng chỉ 6 - 7 người chạy việc cũng không xuể.

Cần thấy một thực tế là ở hầu hết các lĩnh vực hiện nay, chúng ta còn nhiều bất cập trong quản lý, trong đó có VSATTP. Bất cập về luật pháp, bất cập về tổ chức... Trong xử lý vi phạm VSATTP, có nhiều vụ việc không xử được. Như vụ kinh doanh gà chết, heo chết ở Q.Tân Bình, TP.HCM, UBND thành phố đề nghị chuyển qua công an xử lý hình sự, nhưng rồi công an phải trả lại vì không đủ điều kiện để xử lý! Qua vụ 3-MCPD trong nước tương, nhiều người cho rằng, tại sao Sở Y tế không đi kiểm tra để xử phạt. Xin thưa làm sao xử phạt được, nếu kiểm tra, phát hiện thì cũng huề thôi, vì luật đâu cho xử gì đâu. Đó là những bất cập về luật pháp. Tiếp theo là sự bất cập trong bộ máy quản lý, sự phối hợp giữa các ngành hiện nay. Trong vấn đề VSATTP ngành y tế có hai nhiệm vụ. Một nhiệm vụ được Nhà nước giao có trách nhiệm ở đoạn cuối của đường đi thực phẩm. Nhà nước còn giao cho ngành y tế nhiệm vụ quản lý chung. Nhưng ở việc quản lý chung, xin thưa đến nay Nhà nước chưa hề có một quy định nào, có một điều kiện nào để ngành y tế thực hiện nhiệm vụ này.

Tôi cho rằng, giải quyết vấn đề VSATTP, bên cạnh việc tăng cường bộ máy quản lý, thì rất cần người tiêu dùng phát huy ý thức của mình về VSATTP. Người tiêu dùng sẽ giám sát, kiểm tra, quyết định sự sống còn của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất qua việc lựa chọn sản phẩm. Điểm tiếp theo là phải khắc phục những yếu kém, bởi yếu kém lớn nhất hiện nay là chia cắt, chặt khúc trong quản lý VSATTP, trong khi thực phẩm là một chuỗi khép kín. Tiếp nữa là phải có những quy định để xử lý nghiêm, vì hiện nay xử lý của chúng ta về vi phạm VSATTP còn giỡn chơi lắm, trong đó có sự cả nể. Hiện, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước đã có quyết định thành lập lực lượng chuyên ngành về xử phạt về VSATTP.

Tổ PV Chính trị - Xã hội
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.