Điện hạt nhân, giấc mơ và ác mộng - Bài 2: Di họa

26/11/2009 00:01 GMT+7

Vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã để lại những hậu quả lâu dài không chỉ đối với Ukraine.

“Một người bạn của tôi mới qua đời ở tuổi ngoài 30 vì ung thư, chúng tôi tin đó là do hậu quả của vụ Chernobyl. Tôi thực sự bàng hoàng trước cái chết của anh ấy”, trong dịp tưởng niệm 20 năm thảm họa Chernobyl vào năm 2006, võ sĩ quyền Anh nổi tiếng Vitaly Klitschko đã kể về cái chết của một người bạn.

Câu chuyện của Klitschko được hãng tin BBC thuật lại cho thấy thảm họa Chernobyl không kết thúc vào năm 1986. Nó đã để lại những hậu quả khôn lường về lâu dài.

Đám bụi khổng lồ

Vào ngày 27.4, một ngày sau thảm họa Chernobyl, các nhân viên tại Nhà máy điện hạt nhân Forsmark của Thụy Điển đã phát hiện có chất phóng xạ trong không khí. Sau khi kiểm tra toàn bộ nhà máy, họ không thấy có sự rò rỉ nào. Từ đó, họ cho rằng một sự cố hạt nhân lớn đã xảy ra tại Liên Xô. Vì tới lúc bấy giờ, Moscow vẫn chưa công bố thảm họa nên phía Thụy Điển chỉ có thể phán đoán mà thôi.

Rốt cuộc phán đoán của người Thụy Điển hoàn toàn chính xác. Chỉ một ngày sau thảm họa, bụi phóng xạ đã chu du hơn 1.100 km từ Chernobyl tới Forsmark.

Theo số liệu của giới khoa học Liên Xô, lò phản ứng số 4 của Nhà máy Chernobyl chứa khoảng 180 tấn nhiên liệu uranium dioxide và các sản phẩm phóng xạ. Phía Liên Xô ước lượng khoảng 5% tới 30% lượng chất phóng xạ này đã phát tán ra sau vụ nổ, nhưng một số chuyên gia lại cho rằng con số này có thể là trên 90%.

Lượng chất phóng xạ lớn phát tán ban đầu ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực lân cận. Nhiều khu rừng ở Chernobyl đã tàn lụi vì bụi phóng xạ, chẳng hạn như khu rừng nổi tiếng mà ngày nay người ta gọi là Rừng Đỏ. Màu đỏ ở đây là chỉ màu lá cây khô cháy sau khi hứng bụi phóng xạ.

Sau khi tàn phá khu vực xung quanh, bụi phóng xạ nhanh chóng tấn công các vùng đất rất xa, mà Forsmark ở Thụy Điển chỉ là một. Sự dịch chuyển của các đám bụi phóng xạ rất khó lường, tùy theo điều kiện thời tiết. Trên thực tế, ngoài Ukraine, Nga, Belarus, người ta đã phát hiện thấy chất phóng xạ ở khắp các nước châu u như Hy Lạp, Moldova, Romania, Bulgaria, Lithuania, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Hungary, Slovenia, Croatia, Ba Lan, Thụy Sĩ, Đức, Ý, Ireland, Pháp, thậm chí cả Canada và Mỹ bên kia đại dương.

Một báo cáo của nghị viên châu u Rebecca Harms vào năm 2006 cho biết: “Nếu tính về diện tích, Belarus (22% diện tích đất của nước này) và Áo (13%) là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của lượng chất phóng xạ cao. Nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng nặng, chẳng hạn 5% diện tích Ukraine, Phần Lan, Thụy Điển bị nhiễm mức độ cao (lượng caesium-137 trên 40.000 Bq/m2)”.

Bà Harms, người Đức, cùng hai nhà khoa học người Anh đã tiến hành nhiều nghiên cứu và cuối cùng đi đến dự đoán rằng sẽ có thêm 30.000 - 60.000 người khắp châu u bị ung thư do ảnh hưởng của chất phóng xạ từ vụ nổ. Báo cáo này phê phán rằng các cách thức thống kê thiệt hại trước đây của LHQ chỉ tập trung tới Belarus, Nga và Ukraine thôi.

Di họa lâu dài

Giáo sư Tim Mousseau thuộc Đại học Nam Carolina (Mỹ), người đã nghiên cứu ảnh hưởng về mặt sinh thái của vụ Chernobyl từ năm 1999, nói với BBC: “Chúng ta sẽ không thực sự biết được tổng số người chết do ảnh hưởng của vụ Chernobyl sau ít nhất 20, 30, thậm chí 40 năm nữa”.

Lời của ông Mousseau cho thấy tính phức tạp trong việc tìm hiểu hậu quả của vụ Chernobyl, đồng thời cũng cho thấy ảnh hưởng về lâu về dài của vụ nổ này.

Hơn 23 năm sau vụ nổ, cây cối đã mọc lên ở khu vực quanh Chernobyl. BBC cho biết một số loài động vật như ngựa hoang, lợn lòi... đã sinh sôi nảy nở khá tốt. Nhiều người, một cách bất hợp pháp, đã trở về sống trong khu vực bị giải tỏa thuở xưa. Họ trở về vì chỉ khi sống ở đây họ mới cảm thấy được ở nhà mình. Họ nuôi bò và gà. Họ nói rằng “chẳng thấy vấn đề gì bất thường cả”.

Tuy nhiên, chất phóng xạ là một thứ chẳng ai có thể nhìn thấy hoặc ngửi được. Chỉ có những thiết bị chuyên dụng mới có thể phát hiện ra. Và ảnh hưởng của nó cũng không nhất thiết phải đến tức thì, mà có tính chất lâu dài.

Hơn 2 thập niên trôi qua, các đo đạc mới nhất cho thấy khu vực quanh Chernobyl vẫn nằm trong tình trạng nguy hiểm. Một báo cáo được đăng trên chuyên san Biology Letters, do giáo sư Tim Mousseau và đồng sự Anders Moller (Đại học Paris-Sud 11, Pháp) thực hiện, cho biết các loài ong nghệ, bướm, châu chấu, chuồn chuồn và nhện trong khu vực quanh Chernobyl tiếp tục giảm về số lượng.

Ở châu u, cho đến năm 2009, các biện pháp giám sát ảnh hưởng của chất phóng xạ từ vụ Chernobyl vẫn được thực hiện. Hồi tháng 5, báo cáo của Chính phủ Anh cho biết 369 nông trại và 190.000 con cừu vẫn còn bị ảnh hưởng và vẫn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ. Chất phóng xạ có trong đất, sau đó truyền sang cỏ, cừu ăn cỏ vào và bị nhiễm.

“Các con số này đã giảm 95% so với năm 1986, khi gần 9.700 nông trại và 4.225.000 con cừu trên toàn Vương quốc Anh bị ảnh hưởng”, báo Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Y tế (lúc bấy giờ) Dawn Primarolo.

Đó là nước Anh, nơi cách xa Chernobyl hàng ngàn cây số. Những khu vực gần hơn thì mức độ ảnh hưởng vẫn còn rất trầm trọng. Giới khoa học cho rằng không nên thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng Chernobyl trong vòng ít nhất 200 năm nữa.

Vụ nổ Chernobyl xảy ra trong một buổi sáng cách đây hơn 2 thập niên nhưng hậu quả của nó vẫn còn cho tới ngày hôm nay và cả mai sau.

Chính vì lẽ đó mà võ sĩ Klitschko, một người Ukraine nổi tiếng, đã nói trong dịp tưởng niệm 20 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl: “Thảm họa này đã thay đổi đất nước Ukraine vĩnh viễn. Một thảm kịch như thế không bao giờ được phép xảy ra nữa”.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.