Điền kinh Việt Nam: Cuộc chinh phục của nữ hoàng tốc độ

17/02/2018 14:31 GMT+7

Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhiều lần suýt bỏ điền kinh vì khổ cực, nhưng Lê Tú Chinh đã vượt qua tất cả, mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam ở các giải điền kinh quốc tế trong thời gian qua.

“Ba ơi, con làm được rồi”

Xin chào đương kim nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á Lê Tú Chinh. Bạn có thể chia sẻ đôi chút về hoàn cảnh gia đình và tuổi thơ của mình?

Tôi thấy mình chưa sẵn sàng với danh hiệu nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á. Tôi còn phải nỗ lực rất nhiều bởi thành tích của tôi ở các giải trong nước lẫn quốc tế hiện vẫn chưa vượt qua được chị Vũ Thị Hương. Chị Hương chính là thần tượng của tôi và danh xưng nữ hoàng tốc độ xứng với chị ấy hơn (cười).
Tôi sinh ra ở quận 8 (TP.HCM), là con út trong gia đình có 3 chị em gái nên ngày nhỏ được ba, mẹ cưng chiều nhất nhà. Nhà nghèo, mẹ đi làm quần quật đến tối lo cho gia đình nên tôi gắn bó với ba nhiều hơn. Năm tôi chuẩn bị vào lớp 1, mẹ tôi bất ngờ lâm bệnh qua đời. Từ đó gánh nặng chăm gia đình đè nặng trên đôi vai của ba. Tôi và các chị tuổi ăn học không giúp được gì nhiều cho ba. Cuối cấp 1, tôi may mắn được huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương về trường tuyển chọn chơi điền kinh và gắn bó với nó đến tận bây giờ.
Kỷ niệm nào Chinh nhớ nhất về người mẹ đã khuất?
Tôi vẫn nhớ khi được 4 tuổi, mỗi sáng mẹ hay đút cho tôi ăn rồi đưa tôi đi học. Một năm sau thì mẹ mất. Lúc đó tôi còn nhỏ, chỉ biết khóc vì không còn mẹ nữa, và rồi cảm giác trống vắng, thiếu thốn tình thương của mẹ tiếp tục theo đuổi mình qua từng năm tháng về sau. Ý thức việc bản thân thiệt thòi khi không còn mẹ nên tôi cố gắng tự lập với suy nghĩ rằng ở đâu đó trên thiên đường mẹ luôn dõi theo, phù hộ cho mình.
Còn với ba thì sao?
Mẹ mất rồi, ba không chỉ là người ba mà còn trở thành mẹ của tôi và các chị. Để có chi phí lo cho 3 chị em tôi, ba phải đi làm từ sáng tới tối, làm nhiều việc từ phụ quán đến chạy xe ôm. Thế mà tôi lại bướng bỉnh, có khi đi học mệt mỏi về nhà buồn bực nên lớn tiếng với ba, điều đó khiến tôi vô cùng hối hận. Nếu được quay lại sẽ không bao giờ có suy nghĩ trẻ con, nói lời vô lễ như vậy. Ba từng không muốn tôi theo đuổi điền kinh nhưng sau này lại là người động viên tôi nhiều nhất. Tự đáy lòng tôi chỉ biết nói với ba rằng: con thương ba nhiều lắm (bật khóc). Con sẽ không làm gì để ba buồn, cố gắng tập luyện, thi đấu để ba tự hào về đứa con gái của mình. Vì thế khi đoạt được tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games, tôi đã bật khóc khi nghĩ đến ba và nói: “Ba ơi, con làm được rồi!”.
Đổi đời nhờ người mẹ thứ hai
Ai là người đưa Chinh đến với điền kinh để rồi có được thành công như hôm nay?
Đó là cô Nguyễn Thị Thanh Hương, huấn luyện viên đầu tiên và gắn bó với tôi đến tận bây giờ. Lần đầu tiên tôi gặp cô ở Trường tiểu học Tuy Lý Vương (quận 8). Khi đó, tôi thi đấu giải trường nhằm chọn ra nhân tố giỏi đi tranh tài cấp quận và đã lọt vào mắt xanh của cô. Cô Hương chọn tôi cùng 5 bạn khác nhưng sau thời gian tập, các bạn nghỉ hết chỉ còn mình tôi. Những gì tôi có được hôm nay là nhờ công sức huấn luyện, chỉ bảo của cô. Công ơn này tôi không bao giờ quên.
Cô Hương rất tâm lý khi tìm hiểu nguyên nhân, phân tích, giải tỏa cho tôi thoát khỏi sự buồn chán, áp lực, mệt mỏi. Cô nói rằng cô trò mình đã bỏ ra rất nhiều mồ hôi, công sức trong tập luyện, chơi điền kinh đỉnh cao thành tích không phải đến trong thời gian ngắn mà phải có quá trình tích lũy. Cô tạo cho tôi cảm giác mình luôn có nhiều điểm yếu, phải khắc phục trong từng buổi tập, phải nỗ lực, không tự mãn. Nhờ thế thành tích của tôi ngày càng cải thiện, tôi càng có động lực để theo đuổi đam mê điền kinh.
Phá thế độc tôn của Thái Lan
Đâu là thành tích đáng nhớ của Chinh trong sự nghiệp?
Mỗi cột mốc thành tích với tôi đều đáng nhớ và mang ý nghĩa riêng. Đầu tiên phải kể đến tấm huy chương vàng giải trẻ châu Á tại TP.HCM vào tháng 6.2016. Tôi cùng huấn luyện viên Thanh Hương chuẩn bị rất tốt cho giải nhưng ở cự ly 100 m, tôi thi đấu không đúng phong độ, để huy chương vàng vuột khỏi tầm tay. Tuy nhiên, sau đó ở cự ly 200 m, tôi đã bùng nổ với tấm huy chương vàng. Đó là thành tích quốc tế đáng kể đầu tiên của tôi, nó cũng là động lực lớn để tôi say mê tập luyện. Nhờ đó tôi đột phá với 4 tấm huy chương vàng 100 m, 200 m, 4x100 m, 4x200 m tại giải vô địch quốc gia tháng 11.2016.
Trong đó, lần đầu tiên sau 21 năm, TP.HCM mới đoạt lại tấm huy chương vàng cự ly tốc độ 100 m. Tôi càng vui hơn khi người cuối cùng đoạt huy chương vàng cách đây 20 năm cũng ở Hà Nội chính là cô Thanh Hương. Không ngủ quên trên chiến thắng, tôi tiếp tục lao vào tập luyện và 3 chiếc huy chương vàng SEA Games 29 hồi tháng 8.2017 tại Malaysia là thành quả ngoài mong đợi.
Chinh chia sẻ gì về việc giành 3 tấm huy chương vàng tại SEA Games 29 ở cự ly 100 m, 200 m, 4x100 m, giúp điền kinh Việt Nam lấy lại vị thế số 1 cự ly ngắn nữ, phá thế độc tôn của Thái Lan?
Tôi được kỳ vọng quá lớn ngay lần đầu thi đấu ở SEA Games nên bị áp lực nặng nề. Chính áp lực này khiến tôi thi đấu cự ly 100 m mở màn không được tốt như mong muốn. Tuy nhiên, tấm huy chương vàng 100 m giúp tôi giải phóng áp lực ngàn cân đang bủa vây mình. Sang cự ly 200 m, tôi hoàn toàn thoải mái, tự tin và nếu bứt phá thêm chút nữa tôi đã có thể phá kỷ lục SEA Games. Hoàn tất chỉ tiêu cá nhân, tôi thoải mái tranh tài cự ly tiếp sức 4x100 m, cự ly mà Thái Lan thống trị hơn 10 năm qua, thậm chí từng giành huy chương vàng châu Á.
Tôi cùng các đồng đội Mộng Tuyển, Yến Hoa, Đỗ Thị Quyên chỉ tập với nhau hơn 2 tháng trong khi nội dung này ngoài trình độ thì quan trọng nhất là trao gậy sao cho ăn ý. Cho đến trước ngày thi đấu chúng tôi vẫn tập trung luyện trao gậy sao cho thuần thục. Nhờ đội hình tiếp sức năm nay khá đều nên tôi chạy 100 m cuối không bị thất thế, cứ thế tăng tốc về đích. Chúng tôi vỡ òa khi biết không những thắng Thái Lan, đoạt huy chương vàng mà còn phá kỷ lục SEA Games do quốc gia này nắm giữ nhiều năm qua.
Mục tiêu của Chinh trong năm 2018 và xa hơn như thế nào?
Tôi đặt mục tiêu đoạt huy chương ở Asiad 2018 diễn ra tại Indonesia, xa hơn là suất chính thức tham dự Olympic 2020 tại Nhật Bản. Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đang xây dựng kế hoạch để tôi cùng huấn luyện viên Thanh Hương sang Mỹ tập huấn dài hạn nhằm nâng cao thành tích.
Lê Tú Chinh sinh ngày 4.7.1997 tại TP.HCM
Thành tích:
- 100 m: huy chương vàng Grand Prix châu Á tháng 4.2017, thành tích 11 giây 54; huy chương vàng Thái Lan mở rộng tháng 6.2017, thành tích 11 giây 47; huy chương vàng SEA Games 29 tháng 8.2017, thành tích 11 giây 56.
- 200 m: huy chương vàng Thái Lan mở rộng tháng 6.2017, thành tích 23 giây 52; huy chương vàng SEA Games 29 tháng 8.2017, thành tích 23 giây 32; huy chương vàng vô địch quốc gia tháng 10.2017, thành tích 23 giây 36.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.