|
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thọ, H.Đông Triều, cho biết tai nạn xảy ra do cột đỡ và dẫn điện được dựng trên bờ, sát hồ nước đã không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn điện. Theo ông Đoàn, cột đỡ điện làm bằng bê tông nhưng đã quá cũ và có nhiều đoạn bị vỡ trơ cả khung sắt. Trên thân cột bê tông, có đoạn được chắp nối bằng tre và gỗ. Ngay trên đầu phần cột bê tông là một ngọn nối hình chữ T, bằng sắt, dài khoảng 1,5 m. Đoạn sắt chữ T này đã đỡ một dây dẫn điện (gồm 1 dây bọc và dây trần) nên đã có sự truyền điện ra đoạn sắt chữ T. Một đoạn dây chằng bằng sắt khác, đường kính khoảng 1 cm được bắt chéo vào đoạn chữ T và cắm xuống lòng hồ để giữ cột đỡ điện nên đã trở thành dây dẫn điện, gây ra cái chết thương tâm cho các cháu học sinh.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Hải, Giám đốc Điện lực Đông Triều, cho rằng đường dây trên là đường dẫn điện sau công tơ của khách hàng Trần Thị Lê, thôn Tràng Bạch, xã Hoàng Quế, Đông Triều có chiều dài khoảng 450 m, kéo từ công tơ điện tại trạm biến áp Yên Thọ 7 cung cấp điện cho 4 hộ dùng chung. “Luật Điện lực quy định rằng trách nhiệm của bên bán điện chỉ là kéo điện về công tơ của các hộ tiêu thụ, còn việc đưa điện từ công tơ về để tiêu thụ là trách nhiệm của từng hộ dân, bao gồm cả việc tự đầu tư kéo dây dẫn điện và xây dựng cột đỡ. Các hộ dân cũng chịu trách nhiệm quản lý đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng. Nếu có vấn đề gì, hộ dân báo với công ty, chúng tôi sẽ có trách nhiệm cắt điện khu vực đó và cử người đến kiểm tra. Còn thực tế, chúng tôi không có quyền hay trách nhiệm đi kiểm tra, rà soát hay can thiệp vào các công trình, thiết bị điện sau công tơ, do khách hàng tự đầu tư, lắp đặt”, ông Hải khẳng định.
Bích Ngọc
Bình luận (0)