Tình huống cấp bách
Những ngày áp tết, Bộ Công thương đã phải phát đi văn bản hoả tốc gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện”.
Trong đó, Bộ Công thương yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ.
Đồng thời, thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo các quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
|
Văn bản được phát đi trong bối cảnh hệ thống điện đứng trước tình huống nguy cơ dư thừa công suất phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ. Đây được đánh giá là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo số liệu mới nhất, tính đến hết ngày 31.12.2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn.
Trong khi đó, trên thực tế, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đã tiếp tục xuống rất thấp. Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết chỉ còn ở mức khoảng 12.500 - 13.500 MW.
Một chuyên gia năng lượng nói vui rằng, với số liệu trên thì xét về mặt lý thuyết, nếu thời tiết thuận lợi, chỉ tính riêng các dự án điện mặt trời khi đạt hiệu suất cao thì đã đủ “cân” cả hệ thống. “Tất nhiên, đó là nói về lý thuyết thôi. Bởi hệ thống điện không cho phép huy động một tỷ lệ cao điện mặt trời, vốn vô cùng đỏng đảnh khi mà chỉ cần một đám mây đi qua, là cả hệ thống có thể sập”, vị này nói.
Chuyên gia điện mặt trời, ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, chia sẻ hồi tháng 8.2020, khi tham quan một nhà máy điện mặt trời ở miền Nam, ông đã chứng kiến chỉ trong 2 giờ đồng hồ, do trời đang nắng chuyển sang mưa nên tổng công suất phát điện của nhà máy đó bị tụt tận 90%.
Ông Sơn đặt giả thiết: Nếu cơ cấu điện mặt trời từ 10% tăng lên 30% trong vài năm nữa, thì điều gì sẽ xảy ra khi trời chuyển mưa trong… 2 ngày? “Khi ấy, toàn bộ hệ thống điện sẽ trở nên nguy hiểm, nếu không có các nguồn điện truyền thống dự phòng, thay thế ngay lập tức”, ông Sơn nói.
Vừa làm vừa ngóng "ông trời"
Tại quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 được Bộ Công thương ban hành cuối năm 2020, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của toàn quốc trong năm 2021 này là 262,4 tỉ kWh, gần như không tăng nếu đem so với kế hoạch của năm 2020 là 261,45 tỉ kWh.
Vậy nhưng, có một con số rất đáng chú ý là cơ cấu tỷ lệ nguồn phát đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, tổng sản lượng điện phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2021 dự kiến đạt khoảng 23,4 tỉ kWh, chiếm tỷ trọng 8,9% tổng sản lượng điện phát và nhập khẩu của toàn hệ thống.
Trong khi đó, số liệu năm 2020 cho thấy, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm qua là 10,6 tỉ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Nghĩa là, năm nay, lượng điện phát của năng lượng tái tạo cũng như tỷ trọng trong cơ cấu nguồn sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước.
|
Ông Đoàn Công Đức, Giám đốc Công ty điện lực dầu khí Cà Mau (PVPower Cà Mau), đơn vị sở hữu 2 nhà máy điện với tổng công suất 1.500 MW, cho biết sự xuất hiện mạnh mẽ của nguồn điện năng lượng tái tạo, mà chủ yếu là điện mặt trời đã làm thay đổi đáng kể “lịch sinh hoạt” của 2 nhà máy của công ty.
Thay đổi ở chỗ, trước đây, việc chạy dầu (giá điện dầu cao gấp 2 - 3 lần điện than) cho các tổ máy chỉ được thực hiện vào giờ cao điểm, thì từ giữa năm 2020 trở đi, việc đổ dầu vào chạy đã trở thành công việc quen thuộc của nhà máy này để sẵn sàng dự phòng khi hệ thống đứng trước nguy cơ sụt giảm bởi điện mặt trời, điện gió đột chỉ vì một trận mưa.
“Khi đó, những nhà máy như Cà Mau phải ngay lập tức đảm đương phần thiếu hụt đó. Cho nên, hệ thống điện bây giờ… rất khác”, ông Đức nhìn nhận.
Lãnh đạo EVN thừa nhận, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống. “Nhất là vào giờ cao điểm tối, khoảng từ 17 giờ 30 - 18 giờ 30, là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn”, vị này nói. Tuy nhiên, việc khởi động một nhà máy điện than, điện khí chạy từ 0 lên 70 - 80% công suất không phải “nói là làm được ngay”. Vậy nên, nhiều nhà máy phải chạy cầm chừng các tổ máy.
Tại báo cáo kết quả phiên giải trình “thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận xét: trong hệ thống điện có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như điện gió và điện năng lượng mặt trời cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống.
Đó là chưa kể, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,... ). Chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Bình luận (0)