Chưa khắc phục được những bất cập
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành gồm 6 bậc, bậc cao nhất là từ 401 kWh với giá 3.015 đồng/kWh. Dự thảo mới giảm xuống còn 5 bậc, mức tiêu thụ điện cao nhất (bậc 5, tính từ 701 kWh) có giá đề xuất là 3.456,66 đồng/kWh. Theo khảo sát của ngành điện lực, chỉ có khoảng 2% hộ tiêu thụ lượng điện từ 701 kWh/tháng. Bên cạnh đó vẫn bảo đảm chính sách an sinh xã hội của nhà nước, bằng cách tăng chỉ số sử dụng điện dưới giá bình quân từ mức 50 kWh lên 100 kWh/tháng. Nói nôm na là biểu giá đề xuất mới sẽ "đánh" vào khách hàng dùng điện nhiều, phải trả tiền nhiều và khuyến khích người dùng điện tiết kiệm trong bối cảnh nguồn cung điện thiếu hụt.
Thoạt nghe thì hợp lý, song nhiều người chỉ ra để kêu gọi 2% hộ gia đình tiết kiệm thì cũng như muối bỏ bể. Đáng nói, giá điện sinh hoạt vẫn tính theo hộ gia đình, trong khi số nhân khẩu tại mỗi gia đình rất khác nhau. Thế nên việc tính bậc giá điện sinh hoạt theo hộ vẫn chưa bảo đảm tính công bằng.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét hiện tại phong trào tiết kiệm điện toàn dân đã được tổng kết đâu đó bằng những con số nghe cũng "hoành tráng" và được thực hiện lâu dài, nên biểu giá tính điện mới phải giải quyết được vấn đề bức xúc của người dân là đã công bằng chưa, minh bạch chưa? Họ có đã và đang trả tiền điện bù chéo cho phân khúc khách hàng nào không? Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác, vậy tiền điện cho khu vực sản xuất kinh doanh tại một số khung giờ đang được thu dưới giá bình quân rất nhiều thì ai bù cho khoản này, trong khi nhu cầu điện sinh hoạt thấp hơn nhiều so với nhu cầu điện sản xuất công nghiệp.
Đáng lưu ý, trong dự thảo, cơ cấu biểu giá áp dụng cho khách hàng sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp, trạm sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch… có thay đổi nhiều so với biểu giá bán lẻ trước. Tùy theo các cấp điện áp, giá bán lẻ điện cho khu vực khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp… rất khác nhau. Cụ thể, với giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện lần đầu được đưa vào cơ cấu biểu giá điện, mức giá được áp dụng theo cấp điện áp, với giá thấp nhất bằng 68% giá bán lẻ điện bình quân, chưa bao gồm thuế GTGT (1.306 đồng/kWh) và cao nhất bằng 205% giá bán lẻ điện bình quân (3.937 đồng/kWh); giá điện cho cơ sở lưu trú, du lịch sẽ được áp dụng bằng nhóm sản xuất, từ 52 - 167% so với giá bán lẻ điện bình quân…
Tuy vậy, tại nhiều khung giờ, giá bán lẻ điện cho sản xuất, du lịch, lưu trú vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân, thấp hơn cả giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Cần hướng đến sự công bằng, bỏ bù chéo…
Bộ Công thương nhận định về cơ bản giá bán lẻ điện không có nhiều thay đổi khi vẫn giữ cơ cấu biểu giá cho bốn nhóm hộ sử dụng điện là sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, do có sự thay đổi về cơ cấu biểu giá nên sẽ có tác động trực tiếp tới các nhóm khách hàng. Sau khi điều chỉnh biểu giá, có nhóm sẽ được giảm tiền điện nhưng có nhóm phải tăng ở mức độ khác nhau.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại khuyến nghị: Không nên giữ mãi quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, thu hút đầu tư… bằng bán rẻ giá điện. Như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất bằng các máy móc thiết bị tiên tiến, giúp tiêu hao ít năng lượng, dẫn đến gánh nặng cho ngành điện và không công bằng trong phân phối ở góc độ giá cả.
Thực tế theo đề xuất, điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng chỉ bằng 90% giá bình quân. PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nêu quan điểm biểu giá điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh… dựa trên giá bán lẻ điện bình quân Chính phủ ban hành. Từ đó, Chính phủ giao cho Bộ Công thương phân chia giá theo tỷ lệ sử dụng điện thế nào cho khoa học, hợp lý. Trong đó, yêu cầu tính toán giá điện dành cho sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt.
Nắng nóng, sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc tăng cao kỷ lục
"Theo tôi được biết, vấn đề này đã có nhiều ý kiến phản đối và cá nhân tôi cũng thấy không hợp lý khi giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư xanh, công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng… Trước đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng từng có ý kiến giá điện tại VN đang thiếu tính đột phá, chậm thay đổi và chưa theo thị trường. Cơ quan này đang xem xét hiện tượng cơ cấu biểu giá điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Liệu điện sinh hoạt có đang bù cho điện sản xuất, công nghệ lạc hậu hay không? Vấn đề này cần làm rõ, thay đổi của biểu giá điện mới chưa thấy tách bạch rõ điều này".
Không chỉ bù chéo trong giá bán ra, với nguồn điện mua vào, giá FIT từ nguồn năng lượng tái tạo mua vào cao hơn nguồn điện truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn…). Chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện cũng từng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện hơn.
PG-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh việc xây dựng biểu giá điện cần bảo đảm chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người nghèo; đồng thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm điện. Tuy vậy, yếu tố công bằng, minh bạch được đặt ra từ mấy năm qua nay vẫn chưa thấy thay đổi trong biểu giá đề xuất, người tiêu dùng vẫn đang trả tiền điện bù cho sản xuất theo biểu giá mới. Như vậy, chưa có gì thay đổi theo xu hướng và mang tính đột phá. Về lâu dài, giá điện vẫn cần phân theo bậc, nhưng ngành điện cần hướng đến thị trường mua bán điện cạnh tranh công bằng hơn.
Bình luận (0)